Quyết liệt chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Nghệ An luôn áp dụng công tác chuyển đổi số vào chương trình hành động một cách linh hoạt, có chiều sâu, kết quả sau 4 năm có bước tiến nhảy vọt.
Tích cực chuyển đổi
Trong Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã khẳng định: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là nội dung cấp bách và quan trọng. Do vậy, Đảng Đoàn MTTQ tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chương trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.
Đơn cử như việc xây dựng trang thông tin Mặt trận. Ngay từ đầu năm 2019, dựa trên nền tảng mạng xã hội Facebook, MTTQ tỉnh Nghệ An đã tạo riêng một trang Facebook “Tiếng nói Mặt trận”. Tuy nhiên, với việc hạn chế kết nạp thành viên, từ nền tảng Facebook “Tiếng nói Mặt trận” được phát triển lên hình thức mới với tên gọi là trang Fanpage “Mặt trận Nghệ An”. Và từ đó, lượng người theo dõi các hoạt động của Mặt trận thông qua mạng xã hội đã tăng vọt. Cụ thể, thông qua Fanpage “Mặt trận Nghệ An” đã có 163.180 lượt thích và 173.315 lượt theo dõi, hàng trăm nghìn bài viết đã được đăng lên để làm nguồn tư liệu cho độc giả. Và cuối tháng 11 vừa qua, địa chỉ Fanpage “Mặt trận Nghệ An” chính thức được Facebook bảo vệ bằng tick xanh chính chủ.
Điều đáng nói, không chỉ ở cấp tỉnh, việc thành lập các trang Fanpage còn được hình thành đến huyện, xã và khu dân cư. Đến nay, 21 huyện, thành, thị, 460 đơn vị hành chính cấp xã đều “phủ sóng” các trang thông tin điện tử của đơn vị mình. Qua thống kê, trong hơn 4 năm thực hiện trang thông tin điện tử của MTTQ Nghệ An đã đăng tải hơn 3.057 tin bài, với hơn 15.285 hình ảnh, hàng trăm văn bản, thu hút 240.972 lượt truy cập và 471.012 lượt theo dõi chia sẻ, tương tác.
Ngoài ra, bản tin Công tác Mặt trận đã xuất bản 20 số với 1.350.000 cuốn; 21 trang Facebook của huyện, thành, thị và khoảng 70% các Ban Công tác Mặt trận có trang Facebook, với tổng số hơn 7.413 đợt tuyên truyền phổ biến, 68.527.000 lượt tham dự và 1.322 chuyên đề và 1.486 mô hình tiên tiến, qua đó đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền trong hệ thống MTTQ toàn tỉnh.
Trên cơ sở chuyển đổi số, nhiều “chuyển đổi” khác được MTTQ tỉnh Nghệ An thực hiện mới như: Chuyển đổi về công tác tuyên truyền; đổi mới trong công tác Dân tộc – Tôn giáo… Đặc biệt, chuyển đổi trong tập hợp lắng nghe ý kiến từ nhân dân, MTTQ tỉnh Nghệ An đã có ý tưởng hết sức sáng tạo, tạo sự khác biệt với cả nước. Như việc tổ chức Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở” giữa Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến với đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận bằng hình thức trực tiếp kết nối đến 442 điểm cầu trong toàn tỉnh.
Diễn đàn đã thu hút hàng nghìn câu hỏi về công tác Mặt trận, đồng thời bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn, trăn trở của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận trên địa bàn toàn tỉnh. Không những vậy, diễn đàn còn tiếp nhận nhiều ý kiến, hiến kế giải pháp của đội ngũ làm công tác Mặt trận từ cơ sở, nhằm thực hiện tốt hơn vai trò, vị trí của MTTQ trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thiện Văn kiện Đại hội MTTQ các cấp, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Đồng lòng đổi mới
Nhờ công tác chuyển đổi số, các chương trình hành động, các phong trào do MTTQ chủ trì đã đạt được những kết quả rất tốt. Đơn cử như cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã hiến tặng hơn 203,7ha đất, đóng góp hơn 3.437 triệu ngày công, ủng hộ hơn 1.866 tỷ đồng; làm mới 790km đường giao thông nông thôn; 259km kênh mương thủy lợi; 2.343 tuyến đường cờ; 2.520km đường hoa; 1.417 tuyến đường đèn chiếu sáng; xây dựng, nhân rộng trên 579 mô hình kinh tế giảm nghèo... Qua đó, góp phần xây dựng 5 đơn vị cấp huyện và 101 xã về đích nông thôn mới, 20 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, năm 2023, dưới sự chủ trì kêu gọi, vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp để thực hiện các chương trình an sinh xã hội với tổng giá trị trên 872 tỷ đồng. Trong đó, Tết vì người nghèo trên 137 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp trên 148 tỷ đồng; Quỹ Cứu trợ trên 11 tỷ đồng; Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền quy đổi trên 476 tỷ đồng; cộng đồng thiện nguyện hỗ trợ nhân dân tại các địa phương ước đạt hơn 100 tỷ đồng.
Bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện khẩu hiệu hành động “Bản lĩnh, tinh thông, đồng lòng, đổi mới”, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp tỉnh Nghệ An đã quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội MTTQ nhiệm kỳ 2019 – 2024 đề ra. Tiếp tục xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong lòng dân, nâng cao vị thế của Mặt trận trong hệ thống chính trị.
“Để Mặt trận xứng đáng là “cầu nối” của mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; góp phần vun đắp, phát huy, làm dày thêm những trang truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - MTTQ Việt Nam; riêng với Mặt trận Nghệ An cùng với các cấp ủy, chính quyền, sớm hiện thực hóa “khát vọng Sông Lam” thành “kỳ tích Sông Lam”, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ, hòa cùng với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường và hạnh phúc; xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu” - bà Sinh nhấn mạnh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quyet-liet-chuyen-doi-so-10273605.html