Quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển

Khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau gồm 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển; với đường bờ biển dài 254km, vùng biển rộng khoảng 80.000 km2. Thời gian qua, tình hình hoạt động của các loại tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn khu vực biên giới biển luôn diễn biến phức tạp.

Lực lượng làm nhiệm vụ của Đồn Biên phòng Sông Đốc kiểm tra tàu TG 91987 TS, do ông Lương Văn Ri làm thuyền trưởng có nhiều khoang chứa dầu. Ảnh: Hoàng Tá

Lực lượng làm nhiệm vụ của Đồn Biên phòng Sông Đốc kiểm tra tàu TG 91987 TS, do ông Lương Văn Ri làm thuyền trưởng có nhiều khoang chứa dầu. Ảnh: Hoàng Tá

Do đó, để ổn định tình hình địa bàn, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, tập trung những địa bàn trọng điểm, phức tạp; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với các loại tội phạm. Đồng thời, tập trung đánh mạnh vào nhóm đối tượng buôn lậu xăng dầu, gian lận thương mại.

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau cho biết: “Vùng biển Tây Nam nói chung, vùng biển Cà Mau nói riêng có diện tích khá rộng và giáp ranh với nhiều nước trong khu vực. Đây cũng là môi trường thuận lợi để các loại đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật như: Buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, trộm cắp tài sản, gây mất trật tự, an ninh trên biển; tàu thuyền của ngư dân đi lại, hoạt động đánh bắt thủy sản không có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trên địa bàn biên phòng, tình trạng mua bán, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu vẫn còn diễn ra ở một số địa bàn.

Để từng bước đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu trên biển, bằng các biện pháp nghiệp vụ, thời gian qua, BĐBP Cà Mau đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn lậu dầu trên biển, góp phần “giảm nhiệt” tình trạng buôn lậu trên biển, xong tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Nguyên nhân là do giá dầu trên biển và trên thị trường trong nước có giá chênh lệnh khá cao, nên một số chủ tàu, thuyền trưởng bất chấp thủ đoạn ra biển mua bán dầu lậu thu lời bất chính. Cùng với đó, nhiều chủ tàu cá không muốn cho tàu vào bờ, mà cho tàu hoạt động dài ngày trên biển, một mặt là tiết kiệm chi phí ra vào, mặt khác là giữ chân lao động trên tàu, nên chủ động liên lạc tìm kiếm nguồn dầu lậu trên biển để mua.

Đơn cử như ngày 23/3, Đồn Biên phòng Sông Đốc phối hợp với Đội Đặc nhiệm (Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh) tổ chức tuần tra bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển do đơn vị quản lý. Đến vùng biển cách cửa biển Sông Đốc 37 hải lý về hướng Tây Nam, lực lượng tuần tra phát hiện tàu cá TG 91987 TS, do ông Lương Văn Ri (trú tại phường Tân Long, huyện Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng, trên tàu có 4 thuyền viên, có dấu hiệu nghi vấn. Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra tàu cá, phát hiện trên tàu có 5 hầm chứa 36.000 lít chất lỏng màu đen có mùi dầu, ông Ri không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số chất lỏng nói trên. Tổ công tác tiến hành lập biên bản ghi nhận vụ việc, đồng thời, đưa người, phương tiện và tang vật về Đồn Biên phòng Sông Đốc tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Qua làm việc với Đồn Biên phòng Sông Đốc, ông Ri thừa nhận, số chất lỏng màu đen trên là dầu diesel mua từ một tàu lạ trên biển để bán cho các tàu cá của Việt Nam kiếm tiền lời. Trong khi đó, theo giấy phép đăng ký, tàu TG 91987 TS hoạt động hậu cần nghề cá, chuyên vận chuyển các mặt hàng thiết yếu phục vụ các tàu đánh cá trên biển như nước đá, dầu, lương thực, thực phẩm, sau đó mua lại sản phẩm, hoặc chở thuê sản phẩm từ biển vào bờ. Nhưng khi ra biển không hoạt động nghề như đã đăng ký, mà thuyền trưởng cho tàu chạy ra các khu vực vùng giáp ranh với nước ngoài để mua dầu, sau đó chạy vào vùng biển các tỉnh miền Tây để bán lại cho các tàu đánh cá khác kiếm lời, với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.

Tàu TG 91987 TS được dẫn giải về cửa biển Sông Đốc để điều tra. Ảnh: Lê Khoa

Tàu TG 91987 TS được dẫn giải về cửa biển Sông Đốc để điều tra. Ảnh: Lê Khoa

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên tàu cá TG 91987 TS tham gia mua bán trái phép dầu diesel. Trước đó, vào tối ngày 20/3/2023, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Sông Đốc đã phát hiện, bắt giữ tàu cá TG 91987 TS, do ông Lương Văn Ri và các thuyền viên đang vận chuyển hơn 40.000 lít dầu diesel không rõ nguồn gốc và nhiều dụng cụ dùng bơm hút dầu như máy bơm, đồng hồ đo số lượng, ống nhựa loại lớn dùng để bơm hút dầu. Ông Lương Văn Ri không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán và nguồn gốc. Sau khi tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ Chỉ huy ra quyết định tịch thu toàn bộ hơn 40.000 lít dầu và xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Ông Ri cam kết không tái phạm, nhưng sau gần 1 năm, Đồn Biên phòng Sông Đốc tiếp tục phát hiện, bắt giữ tàu cá do ông Ri làm thuyền trưởng đang vận chuyển dầu lậu trên biển. Cũng theo ông Ri, mỗi lít dầu mua đi, bán lại có giá chênh lệch từ 1.000-2.000 đồng. Và với số dầu 36.000 lít đợt này, nếu trót lọt, ông Ri sẽ thu lời gần 100 triệu đồng.

Theo báo cáo của BĐBP Cà Mau, trong năm 2023, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ/10 tàu vận chuyển trên 210.000 lít dầu diesel không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp; đơn vị tịch thu toàn bộ số dầu và phạt hành chính với số tiền trên 400 triệu đồng; tịc thu 900kg banh lông khai thác trái phép, 6 miệng cào, 5 khung kim loại, xử phạt gần 1 tỷ đồng. Trong đó, 3 tháng đầu năm 2024, BĐBP Cà Mau tiếp tục bắt giữ 2 vụ/2 tàu vận chuyển 56.000 lít dầu diesel không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp; 3 vụ/3 trường hợp mua bán 1.251 bao thuốc lá điếu nhập lậu, BĐBP tỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 90 triệu đồng và tịch thu tang vật, xử lý theo quy định của pháp luật.

Và mới đây, ngày 17/3 vừa qua, Đồn Biên phòng Sông Đốc tuần tra bảo vệ địa bàn và phòng chống buôn lậu, phát hiện tại cửa hàng Bách hóa Thanh Tiền, do ông Bùi Thanh Tiền, 48 tuổi, (ngụ ấp Mũi Tràm A, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) làm chủ, có trưng bày thuốc lá điều nhập lậu hiệu HERO, JET để bán. Qua kiểm tra, phát hiện và tạm giữ 546 bao thuốc lá điếu nhập lậu gồm: thuốc lá hiệu HERO 171 bao; hiệu JET 207 bao; hiệu 555 có 10 bao và hiệu SCOTT 158 bao. Đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, đề xuất Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau ra quyết định xử phạt VPHC với số tiền 40 triệu đồng và tịch thu 546 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, trong thời gian tới, để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa ra vào khu vực biên giới biển của tỉnh. Cùng với đó, điều tra, nắm chắc tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả trên địa bàn và các phương tiện hợp đồng khai thác thủy sản trái phép với nước ngoài, các phương tiện đánh bắt, khai thác xa bờ...

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyet-liet-dau-tranh-ngan-chan-hoat-dong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-tren-bien-post474699.html