Quyết liệt gỡ 'thẻ vàng' góp phần phát triển thủy sản bền vững

Bên cạnh hành động tổng thể, quyết liệt nhằm gỡ 'thẻ vàng', bộ, ngành và các địa phương ven biển trong cả nước cần có các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển nguồn lợi hải sản, phát triển thủy sản bền vững.

Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) họp trực tiếp kết hợp trực tuyến vào sáng 17/10.

Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) họp trực tiếp kết hợp trực tuyến vào sáng 17/10.

Ngay khi đi khảo sát nắm tình hình thực tế về tuân thủ các quy định về chống IUU tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), sáng 17/10, tại Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo một số bộ ngành cùng lãnh đạo các tỉnh ven biển là: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre và Bình Định.

Kiên quyết với tàu vi phạm, xử lý tàu cá “3 không”

Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, gỡ “thẻ vàng” IUU góp phần giúp ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, tham gia hội nhập chủ động, tránh được các hàng rào kỹ thuật, thương mại khi xuất khẩu vào những thị trường lớn như châu Âu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu mở đầu cuộc họp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu mở đầu cuộc họp.

Trên tinh thần đó, lãnh đạo các địa phương cần thẳng thắn, trung thực, khoa học, cầu thị để đánh giá chính xác, tìm ra nguyên nhân khiến sau 7 năm vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng" IUU, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm ngày càng cao và hết sức tinh vi, thậm chí có tính liên quốc gia.

“Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp cận vấn đề thực chất, đã nói thì phải làm được. Các biện pháp đề ra cũng cần rõ ràng, minh bạch, bài bản, tư duy khoa học dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và cũng cần nói rõ những việc địa phương có thể làm được, những vấn đề nào cần Trung ương hỗ trợ, cả về nguồn lực, cơ chế, chính sách” - Phó Thủ tướng gợi mở.

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam tăng cường tuần tra, giám sát hoạt động tàu cá khai thác trên biển.

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam tăng cường tuần tra, giám sát hoạt động tàu cá khai thác trên biển.

Theo đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tăng 12 tàu/16 ngư dân so với cùng kỳ năm 2023 (49 tàu/402 ngư dân). Lực lượng chức năng trong nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ngày càng tinh vi, như: Sử dụng tàu cá có chiều dài dưới 15m không lắp thiết bị Giám sát hành trình (VMS); cố tình ngắt VMS khi hoạt động gần khu vực vùng biển giáp ranh hoặc cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác…

Số liệu cũng thể hiện, cả nước hiện còn 9.322 tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên.

Bên cạnh đó, tình trạng tàu cá vi phạm hoạt động sai vùng xảy ra thường xuyên, với số lượng lớn, đặc biệt tại các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Từ thực tế nêu trên, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến kiến nghị tập trung cao điểm nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định…

Cùng với đó, các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác; khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT); kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Tháo gỡ những tồn tại, bất cập

Tại cuộc họp, các đại biểu nêu lên những vấn đề đặt ra đối với “thẻ vàng” IUU có cả bất cập, tồn tại về hệ thống pháp lý, công tác quản lý, nhận thức của ngư dân, cũng như tình trạng cạn kiệt trữ lượng của các ngư trường. Đại biểu của nhiều tỉnh ven biển cũng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay đồng thời kiến nghị những việc cần làm ngay, như: Xác định rõ trách nhiệm trong quản lý hoạt động của các tàu cá ở cảng cá và trên biển; hỗ trợ chủ tàu mua thiết bị VMS; quản lý chất lượng thiết bị VMS; xử lý các tàu khai thác sai vùng, sai tuyến…

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (đứng) chia sẻ cách làm hay và đề xuất một giải pháp về IUU.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (đứng) chia sẻ cách làm hay và đề xuất một giải pháp về IUU.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị bổ sung một số ngành nghề đặc thù như: câu mực, câu cá ngừ phải lắp VMS dù kích thước chưa đủ 15m theo quy định.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh kiến nghị có bộ phận chuyên hỗ trợ, cung cấp thông tin về các tàu cá bị bắt giữ ở vùng biển nước ngoài để chính quyền địa phương có căn cứ xử lý ở trong nước.

Đối với việc quản lý tàu cá “3 không”, đại diện lãnh đạo tỉnh Bến Tre, tỉnh Cà Mau cho rằng, đây là trách nhiệm của địa phương; kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia cần chỉ đạo rà soát đồng loạt để phân loại, xử lý dứt điểm vào cuối tháng 11/2024.

Theo Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, quan trọng nhất là phải quản lý hết sức chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng. Chính quyền địa phương, quân đội, công an phải là một khối thống nhất, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng lực lượng chức năng, từ tuyên truyền đến kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử lý vi phạm, theo nguyên tắc “1 việc 1 người chịu trách nhiệm”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo kết luận tại cuộc họp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo kết luận tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng chỉ ra một số bất cập, tồn tại lớn liên quan đến IUU, đồng thời nhấn mạnh, nếu để ngư dân tiếp tục ra khơi trong khi các ngư trường cạn kiệt thì không thể giải quyết triệt để các hành vi vi phạm IUU.

Vì lẽ đó, vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong công tác quy hoạch, đánh giá trữ lượng nguồn lợi ngư trường, xác định mùa vụ, khu vực khai thác trong năm, và số lượng tàu cá được hoạt động tương ứng, từ đó có cơ chế, chính sách định hướng, hỗ trợ cho ngư dân đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp...

Trong thời gian tới, để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương: Rà soát, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; kiểm điểm trách nhiệm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, “coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp cấp bách đối với công tác chống IUU, đặc biệt là khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; rà soát quy trình thủ tục hành chính kiểm định thiết bị, tàu cá, với tinh thần “khả thi, thiết thực, khoa học, bảo đảm an toàn”; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu mua, lắp đặt thiết bị VMS; có chế tài xử lý các hành vi cố tình ngắt tín hiệu, hoặc gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác như là hành vi xâm phạm tài sản công; cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị VMS trên biển…

Trong tháng 11/2024, các địa phương phải hoàn thành việc đăng ký, quản lý 100% số tàu cá tại địa bàn, không để còn tàu cá “3 không”.

Phó Thủ tướng giao Cục Kiểm ngư xây dựng chiến dịch cao điểm phối hợp các lực lượng chấp pháp để kiểm soát toàn bộ tàu cá “3 không”, tàu cá đã xóa số đăng ký.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, khẩn trương kết nối, chia sẻ các địa phương, lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quân) sử dụng cơ sở dữ liệu về tàu cá đăng ký, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như hoạt động của toàn bộ tàu cá trên biển.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an ở cơ sở phối hợp với ngành nông nghiệp, chính quyền xã, phường để rà soát lại những tàu cá chưa có đăng ký, đăng kiểm, cập nhật cơ sở dữ liệu.

Các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận thức, việc thực hiện các biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU không chỉ để tham gia thị trường châu Âu, mà còn để phát phát triển ngành thủy sản bền vững, bảo đảm lợi ích, sinh kế… lâu dài cho ngư dân, đồng thời thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước .

(Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà)

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-liet-go-the-vang-gop-phan-phat-trien-thuy-san-ben-vung-post837170.html