Quyết liệt hơn nữa để bảo vệ dữ liệu cá nhân
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, nhiều hệ thống dữ liệu được tạo lập trên nền tảng công nghệ số, kéo theo đó là nguy cơ dữ liệu cá nhân (DLCN) bị xâm phạm. Vì vậy, Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ DLCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân.
Thực tế thời gian qua, nhiều người dân rất bức xúc khi nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn rác đến máy điện thoại của mình mời chào mua bất động sản, hàng hóa hay thông báo gây tai nạn giao thông, chưa thanh toán hóa đơn sử dụng các dịch vụ của nhà mạng… để lừa đảo. Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định về chuẩn hóa sim chính chủ nhưng cuộc gọi rác vẫn xảy ra.
Với nhiều thủ đoạn tinh vi, tội phạm công nghệ cao đã sử dụng mã độc để tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính của các tổ chức, cá nhân rồi chiếm đoạt thông tin, DLCN.
Không những vậy, những đối tượng xấu còn bán thông tin của khách hàng cho một bên thứ 3 để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng, chơi game có thưởng…
Tình trạng DLCN của người dân bị lộ lọt còn do các doanh nghiệp (DN), công ty kinh doanh dịch vụ thu thập thông tin của khách hàng và cho phép bên đối tác tiếp cận thông tin nhưng không có quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin.
Ngoài ra, các ứng dụng trên điện thoại thông minh thường yêu cầu người dùng cung cấp quyền truy cập, giám sát danh bạ, quyền truy cập bộ nhớ thì mới cho sử dụng để thu thập thông tin của người dùng. Vì vậy, DLCN của người dân rất dễ bị lộ lọt, đã vô tình “tiếp sức” cho các đối tượng lừa đảo.
Chưa hết “hoàn hồn” vì thủ đoạn tinh vi của bọn lừa đảo, anh Trần Cao Sơn, phường Đồng Xuân (Phúc Yên) bức xúc: "Cách đây gần 1 tháng, có số điện thoại lạ gọi đến bảo là người của Bộ Công an yêu cầu tôi xác minh là đã từng đi du lịch ở Đà Nẵng và có tiếp xúc với một người tên là Dũng ở quận Liên Chiểu không?
Đối tượng này thông tin rằng, Dũng đang hoạt động trong tổ chức chống phá Đảng và Nhà nước. Vì vậy, yêu cầu tôi cung cấp tên tuổi, số CCCD, ngày cấp. Biết đây là thủ đoạn của bọn lừa đảo, tôi cố tình cung cấp thông tin sai về CCCD.
Tiếp đó, đối tượng cung cấp cho tôi số điện thoại của người đang trực tiếp thụ lý hồ sơ vụ án. Khi gọi điện, đối tượng khác lại yêu cầu tôi trình bày lại vụ việc và đe dọa là tôi có tham gia vào tổ chức chống phá chính quyền và yêu cầu tôi cài vào điện thoại một App lạ để làm việc.
Ngay sau đó, một nick xưng tên là cảnh sát điều tra gọi video call tới, hình ảnh là một người mặc cảnh phục, yêu cầu tôi bật video, chắc là để thu thập data nhận diện.
Khi mọi việc hoàn tất, ngay lập tức đối tượng gửi cho tôi lệnh bắt của Viện Kiểm sát (đương nhiên là lệnh bắt giả), và nói nếu anh biết điều thì chúng tôi sẽ giúp thoát khỏi vụ này, nếu không sẽ bị bắt ngay trong ngày.
Sau gần 3 tiếng đồng hồ “vần nhau”, tôi mới “ngả bài” với bọn lừa đảo. Thực sự chiêu trò của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, cho nên có thể hiểu được vì sao đã có nhiều người bị chúng lừa gửi hàng trăm triệu đồng hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho bọn lừa đảo rồi bị chúng rút hết sạch tiền trong tài khoản ngân hàng".
Sự vào cuộc quyết liệt gần đây của các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng sim rác là chưa đủ, rất cần các nhà mạng, người dân cùng vào cuộc. Thực tế, tại một số cửa hàng mua bán sim điện thoại trên địa bàn tỉnh hiện nay, người dân vẫn dễ dàng tìm mua sim đã kích hoạt sẵn thông tin, sẵn tiền trong tài khoản để gọi điện, nhắn tin.
Lợi dụng điểm này, các đối tượng sử dụng sim rác thường dùng trong thời gian rất ngắn để lừa đảo rồi vứt luôn sim. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tổng kiểm tra, rà soát các cửa hàng cá nhân, DN kinh doanh sim điện thoại để xử lý nghiêm hiện tượng kinh doanh sim đã kích hoạt sẵn thông tin và thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số sim rác nêu trên.
Trước thực trạng có quá nhiều DLCN của người dân bị đánh cắp, việc siết chặt các quy định về bảo vệ DLCN là hành động cần thiết trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
Nghị định số 13 của Chính phủ đã đánh dấu bước chuyển lớn để xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ DLCN của người dân một cách hiệu quả, giảm thiểu các hành vi xâm hại DLCN để lừa đảo.
Nghị định 13 nêu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của chủ thể quản lý dữ liệu cũng như quy định rõ trách nhiệm bảo vệ DLCN của cơ quan chức năng, các tổ chức và DN.
Đây cũng là căn cứ để xử lý triệt để các tài khoản ngân hàng, sim điện thoại không chính chủ, góp phần giảm thiểu các hoạt động lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng. Theo lộ trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ DLCN để đối phó với những nguy cơ lộ lọt thông tin gây hại cho người dân.
Trước mắt, các cơ quan, tổ chức, DN và người dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình để hoạt động bảo vệ DLCN đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, người dân cần tỉnh táo, hạn chế cung cấp thông tin cá nhân của mình trong khi giao dịch, mua bán hàng hóa trên mạng.
Khi các các công ty, cửa hàng kinh doanh yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân thì người dân cần cẩn trọng và bảo vệ thông tin của mình bởi nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân thông qua hoạt động này là rất lớn.