Quyết liệt kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết
Thời điểm cuối năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng là cơ hội để thực phẩm bẩn, kém chất lượng, trà trộn vào thị trường bán cho người tiêu dùng.
Liên tiếp chặn đứng hàng tấn thực phẩm không đảm bảo chất lượng
Theo ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, "đến hẹn lại lên", vào quý cuối năm, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ diễn biến phức tạp.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, lực lượng QLTT đã tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng liên quan, tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP, góp phần ngăn chặn một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc trà trộn trên thị trường.
Đơn cử như: Chiều ngày 23/12, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Sơn La) phối hợp với các đơn vị liên quan đột xuất kiểm tra cơ sở chế biến thực phấm tại bản Dửn, xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 460kg nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Cùng ngày, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Bắc Giang) cũng chặn đứng và tiêu hủy 240 kg chân gà nhập lậu. Toàn bộ số hàng hóa trên là của bà Lê Thị Căn, địa chỉ số nhà 07, ngõ 338, đường Xương Giang, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Trước đó, ngày 22/12, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT Quảng Ninh) tiếp nhận vụ vận chuyển hơn 1 tấn lòng lợn khô và tai lợn khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại Hà Nội, những ngày gần đây, lực lượng QLTT liên tiếp tịch thu hàng tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Cụ thể, ngày 21/12, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với lực lượng chức năng khác, thu giữ 300 kg trứng non và hơn 900 kg vịt đã thịt không đủ giấy tờ chứng minh đảm bảo vệ sinh ATTP, được tập kết tại 1 kho xưởng có nhiều tủ bảo ôn, có địa chỉ số 34 Đê Quai phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Hay ngày 20/12, Đội QLTT số 28 đã bắt giữ hơn 1 tấn đùi gà tây đông lạnh hôi thối, do một chủ căn nhà trọ ở đường phường Phú Diễn (Quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) nhập về. Hay mới đây, lực lượng QLTT Lào Cai đã “chặn đứng” lô hàng gồm 1.750 kg vịt mổ sẵn và 250 kg sản phẩm gia cầm đông lạnh, được bọc trong túi nilong có in chữ nước ngoài và đựng trong các bao tải xác rắn. QLTT Lạng Sơn cũng thu giữ 2,5 tấn thịt lợn cùng 2,8 tạ chân gà sản xuất ngoài Việt Nam trên đường tuồn vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. QLTT Hà Tĩnh bắt giữ gần 12 tấn nội tạng động vật, chủ yếu là lòng lợn, mật lợn đã bốc mùi hôi thối…
Theo lực lượng QLTT, hầu hết các đối tượng vận chuyển hàng tươi sống như động vật và các sản phẩm nội tạng động vật, bì lợn, mỡ lợn… đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch hoặc là nhập lậu từ Trung Quốc đưa vào nội địa để tiêu thụ.
Tăng cường phối hợp liên ngành
Vấn đề ATTP được Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, nỗ lực chỉ đạo và đã đạt được một số kết quả nhất định. Ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng ATTP đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, tình hình vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tình trạng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng được các đối tượng tẩy xóa, sửa hạn sử dụng tiếp tục diễn ra. Hay các đối tượng vận chuyển hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch, trà trộn vào thị trường để tiêu thụ.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 19/12/2019 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhưng không để ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và ATTP. Về phía Bộ Y tế, cần phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tổng cục QLTT mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Việc kiểm tra, kiểm soát về ATTP tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm đường phố.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quyet-liet-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-dip-tet-130523.html