Quyết liệt loại trừ 'tín dụng đen'

Kỳ 1: Lãi suất cao ngất, nhiều người vẫn tìm vay

Hành vi cho vay lãi nặng (CVLN) đang “ngấm ngầm” lan rộng ở thành thị và cả nông thôn. Nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội, làm gia tăng tội phạm khác như: cố ý gây thương tích, cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản... Việc xử lý hình sự đối với tội phạm CVLN trong giao dịch dân sự là hết sức cần thiết và có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Trong xã hội hiện nay, nhu cầu vốn của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận được các nguồn vốn của Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng khác. Vì vậy, đây là cơ hội để các hành vi CVLN phát triển và đang lan rộng khắp nơi với các chiêu thức tiếp thị hấp dẫn khiến nhiều người dân rơi vào bẫy “tín dụng đen” (TDĐ) với mức lãi suất cao. Thực tế đã đưa nhiều hộ dân lâm vào cảnh tán gia bại sản hoặc là nạn nhân trong các vụ án cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản; bắt, giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích… gây mất trật tự trị an ở địa phương.

Bị cáo Lê Thành Lợi thường trú phường Cẩm Thủy, TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị phạt 1 năm 6 tháng tù về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Ảnh: VM

Chị N.T.T (Mỹ Xuyên), nạn nhân của TDĐ chia sẻ: “Gia đình làm ruộng, tới vụ lúa mới có tiền. Nhưng ngặt nỗi, con gái nhỏ bị bệnh và thằng con lớn tới đợt đóng tiền học phí, nội ngoại hai bên cũng khó khăn, chẳng thể mượn ai được số tiền lớn. Thấy tờ quảng cáo dán cột điện nên gọi và không đầy 20 phút sau đã có người đến tận nhà cho vay. Tôi vay 10 triệu đồng, lãi suất mỗi tháng là 1,9 triệu đồng và chỉ cần cung cấp số điện thoại của tôi, chồng, con trai là được nhận tiền. Tháng đầu, do 10 triệu đồng xài không hết nên đã trả lãi đúng hạn, còn những tháng tiếp theo không xoay được tiền. Vậy là họ gọi liên tục, vợ chồng tôi không dám bắt máy, họ gọi con trai tôi và đe dọa đủ kiểu, có hành vi đập phá đồ. Sợ quá tôi phải bán lúa non và mượn thêm tiền người thân. Khi tôi trả số tiền đã trên 20 triệu đồng, do lãi đẻ lãi và phí họ đi lại nhiều lần. Nhưng họ hung hăng cho là tôi không đóng lãi đúng hẹn và tôi tìm đến họ, chứ họ đâu có ép buộc gì tôi mà báo chính quyền”.

Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, tội phạm về CVLN trong giao dịch dân sự (còn gọi là TDĐ) với lãi suất từ 240% - 360%/năm và loại tội phạm này đang phát sinh nhiều hơn so với những năm trước. Thời gian qua, có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (Mỹ Xuyên, Châu Thành, Mỹ Tú, Long Phú, Kế Sách, Cù Lao Dung và TP. Sóc Trăng) có phát sinh 9 vụ việc liên quan đến hoạt động CVLN trong giao dịch dân sự và đã được tiếp nhận, xử lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện đã tích cực vào cuộc và đã khởi tố 4 vụ (đưa ra xét xử 2 vụ).

Qua thực tế, trong năm 2019, hoạt động TDĐ thu hút hàng trăm người tham gia vay vốn và xảy ra trên phạm vi rộng. Người đi vay rõ ràng biết lãi suất cao nhưng vẫn chấp nhận tham gia, bởi nhiều lý do. Quan trọng, thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng về thời gian và đáp ứng kịp thời nhu cầu khẩn cấp về tài chính của người vay. Thêm vào đó, tài sản thế chấp chủ yếu chỉ là giấy tờ tùy thân; hợp đồng thường chỉ thỏa thuận miệng hoặc biên nợ có chữ ký người vay và đảm bảo yêu cầu bí mật cho người vay. Người dân có quyền vay “tới bến”, không bị khống chế số tiền vay và đóng lãi, trả vốn thì có thể hẹn ở bất cứ địa điểm nào tùy thích, thông qua liên lạc bằng điện thoại…

Vay TDĐ, không trả kịp thời thì khó yên thân. Ảnh: Đ.H

Theo đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng, các đối tượng cho vay đã xác định đúng tâm lý, nhu cầu, mục đích vay vốn nên đã đưa ra những thủ tục đơn giản nhất và bằng mọi cách để người vay dễ tiếp cận nguồn vốn. Thường họ sử dụng các tờ rơi, tờ quảng cáo và lợi dụng lúc vắng người hay ban đêm để dán trên trụ điện, nơi công cộng, rải trên đường giao thông, bỏ nơi quán ăn, quán giải khát, nơi họp chợ… Với lại, phương thức hoạt động dựa vào số đông vay tiền, không dựa số tiền cho lớn nhằm dễ dàng thu hồi nguồn vốn và lãi suất. Do vậy, họ thường nhắm vào nhóm người không có nghề nghiệp, việc làm ổn định, có nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ hoặc đang cần tài chính. Còn người dân thì chưa thấy rõ hết bản chất nguy hiểm của hoạt động TDĐ và hành vi cho vay lãi nặng này là tội phạm. Vì vậy, người dân chưa tích cực tố giác tội phạm mà còn mặc nhiên tham gia vay vốn. Thậm chí, còn giới thiệu, rủ rê người khác tham gia vay vốn, vô tình giúp hoạt động TDĐ ngày càng phát triển.

Có một vài ý kiến cho rằng, có phải chăng quy trình cho vay vốn và cơ chế hoạt động của các tổ chức tín dụng (chính thống) quá khắt khe so với phương thức hoạt động của tội phạm TDĐ. Do vậy, người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không muốn hoặc không có tài sản thế chấp nên không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, mới tìm đến với TDĐ? Trước những thông tin đó, ông Phạm Kim Hùng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết, hệ thống tổ chức tín dụng luôn triển khai kịp thời và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Nhưng việc cho vay vốn phải tuân thủ trình tự, thủ tục và thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật như: điều kiện vay; mục đích vay; việc sử dụng nguồn vốn vay và phải đảm bảo được việc thu hồi nguồn vốn… Người dân phải nắm và hiểu rõ giữa hoạt động tín dụng chính thống và TDĐ trước khi có ý định tiếp cận vay vốn.

Trong thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện tốt yêu cầu đấu tranh chống tội phạm CVLN trong giao dịch dân sự theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy. Khi đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết án và khởi tố nhiều vụ liên quan đến TDĐ, kịp thời ngăn chặn loại tội phạm này phát sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, TDĐ vẫn ngấm ngầm hoạt động và việc xử lý về loại tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn, đôi khi quan điểm giải quyết chưa thống nhất.

V.Đ
(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/quyet-liet-loai-tru-tin-dung-den-31968.html