Quyết liệt ngăn chặn hoạt động 'tín dụng đen'
Với những biện pháp thực hiện đồng bộ, quyết liệt của Công an tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12, ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động 'Tín dụng đen' (TDĐ), trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức đề cao cảnh giác của các tầng lớp nhân dân về tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đăng tải các tin, bài trên phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động TDĐ và cách phòng tránh. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến TDĐ, qua hòm thư, địa chỉ gmail, số điện thoại đường dây nóng, trụ sở tiếp nhận tin báo tố giác…
Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động TDĐ được các cấp, ngành chức năng quan tâm thực hiện. Đoàn kiểm tra liên ngành UBND các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản kiểm tra 81 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó 12 cơ sở không đăng ký kê khai thuế. Công an các cấp tiếp nhận 6 tin báo về cho vay nặng lãi, giải quyết 6 tin; trong đó khởi tố 2 vụ/2 bị can, xử lý hành chính 2 vụ/3 đối tượng. Điều tra làm rõ 11 vụ/26 đối tượng liên quan đến hoạt động TDĐ; bắt và khởi tố 12 bị can. Rà soát, đấu tranh triệt xóa 2 nhóm/4 đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, 1 nhóm/ 4 đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản…
Theo đánh giá của Công an tỉnh, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần kiềm chế hoạt động TDĐ. Trên địa bàn hiện còn 63 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, giảm 44 cơ sở so với năm 2020; nhiều địa bàn không còn cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê…
Tuy nhiên, trong quá trình phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến TDĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn do các tổ chức, cá nhân cho vay thường núp bóng cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty tài chính để hoạt động “ngầm”, cho vay tiền với lãi suất rất cao. Giữa đối tượng cho vay và người vay tiền thỏa thuận số tiền vay với mức lãi suất dưới hình thức viết giấy vay nợ hoặc thỏa thuận miệng, đặc biệt trong nội dung giấy vay nợ đều không thể hiện mức lãi suất, đối với các tài sản thế chấp có giá trị lớn, đối tượng cho vay yêu cầu chủ tài sản ký hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng tài sản… gây khó khăn trong công tác xử lý của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, công nghệ thông tin, sim rác để hoạt động cho vay ngày càng phổ biến; nhiều bị hại lo sợ bị trả thù nên không dám trình báo cơ quan Công an hoặc không dám khai báo khi các đối tượng bị bắt giữ, gây khó khăn cho công tác mở rộng điều tra.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, Công an tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền để nhân dân nâng cao nhận thức, nhận biết các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động liên quan đến TDĐ. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, chú trọng kiểm tra đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính, các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động cho vay qua ứng dụng điện thoại, cho vay trực tuyến trên địa bàn…