Quyết liệt ngăn chặn nạn nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp
Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc đã chỉ rõ: Trong nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội...
Giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Hải Long (Như Thanh).
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 1 năm qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCTN đối với nhiều cấp ủy các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị mình. Toàn tỉnh đã tổ chức 58 lớp tuyên truyền pháp luật về PCTN với 8.080 lượt người tham gia; đã ban hành mới 133 văn bản, sửa đổi bổ sung 6 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật PCTN. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường biện pháp nhận diện đối với hành vi tham nhũng, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, như: đất đai, xây dựng cơ bản, cấp phép đầu tư,... UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), công khai, minh bạch các TTHC, rút ngắn thời gian xử lý công việc của tổ chức và công dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong giải quyết TTHC. Với mục tiêu chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy sự hài lòng chính là thước đo thành công của dịch vụ công, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp dưới nhiều hình thức như: Tổ chức đặt các “Hòm phiếu đánh giá sự hài lòng” của tổ chức, công dân; “Hòm thư góp ý” để tiếp nhận ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Đến nay, cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh đã công khai hòm thư nóng, đường dây nóng, hệ thống phản hồi tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. 96 đơn vị công khai số điện thoại đường dây nóng, 96 đơn vị công khai địa chỉ hộp thư điện tử, 48 cơ quan thực hiện giám sát bằng công nghệ hiện đại ghi âm, ghi hình, giám sát trực tuyến, 107 đơn vị công khai thời gian, địa điểm tiếp dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã coi trọng công tác tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân, cầu thị lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc để giải quyết dứt điểm, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền những bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chấn chỉnh công tác quản lý, đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời công việc, kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân, doanh nghiệp. Toàn tỉnh đã tiến hành 41 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg tại 86 đơn vị. Qua rà soát nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm, đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 384 cán bộ, công chức, viên chức theo quy định để phòng ngừa tham nhũng. 1 trường hợp công chức có hành vi vi phạm gây phiền hà cho công dân trong giải quyết TTHC đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách và chuyển công tác khác.
Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT–TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy kỷ luật, kỷ cương đã được tăng cường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế vẫn còn những rào cản, vướng mắc như: Chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực chưa được đồng bộ, còn chồng chéo, vướng mắc, còn kẽ hở, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện, dễ bị lợi dụng để vi phạm. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc đã được triển khai nhưng chưa đồng bộ. Việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân ở cấp cơ sở có chỗ, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến đơn thư vượt cấp, kéo dài. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp, người dân chưa tốt, vẫn còn tư tưởng “lo lót, bôi trơn” cho cán bộ, công chức, viên chức để được giải quyết công việc của mình.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, thời gian tới cần tiếp tục triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg, trong đó coi trọng việc đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo PCTN, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý. Nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, Thanh tra tỉnh cũng đã kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý để thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện. Nên có quy định cụ thể việc giám sát bằng hình ảnh và công khai tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân và doanh nghiệp. Xây dựng chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm đảm bảo nghiêm minh, dễ xử lý, có tính răn đe.