Quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương, hộ chăn nuôi trong tỉnh khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn cho đàn lợn, hạn chế dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào địa bàn.

Phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi để ngăn chặn mầm bệnh phát triển tại hộ ông Nguyễn Văn Đăng ở xã Phạm Ngũ Lão.
Đến nay, cả nước ghi nhận 248 ổ DTLCP tại 20 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày với số lợn mắc bệnh gần 20 nghìn con, số lợn chết và buộc tiêu hủy gần 20,3 nghìn con. Lũy kế từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 514 ổ dịch với tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy trên 60 nghìn con. Nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của bão số 3, một số khu vực chăn nuôi bị ngập úng, đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát.
Thường xuyên chăn nuôi trên 1 nghìn con lợn, anh Đoàn Hồng Quảng ở thôn Triều Dương, xã Tiên Lữ đặc biệt quan tâm công tác phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi; tiêm vắc - xin định kỳ phù hợp từng giai đoạn phát triển của đàn lợn. Anh Quảng chia sẻ: Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, là điều kiện thuận lợi để một số dịch bệnh trên đàn vật nuôi lây lan và phát triển, đặc biệt là bệnh DTLCP. Do đó, tôi áp dụng quy tắc chăn nuôi “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong khu vực chuồng trại. Mọi hoạt động của vật nuôi được tôi giám sát từ xa và thường xuyên thông qua hệ thống camera giám sát. Những ngày này, khẩu phần ăn của đàn lợn được bổ sung thêm vitamin để tăng sức đề kháng, giúp đàn lợn phát triển khỏe mạnh.
Vừa xuất bán 50 con lợn, anh Nguyễn Văn Chỉ ở xã Châu Ninh nhanh tay dọn dẹp các ô chuồng nuôi đã trống, phun hóa chất khử trùng để chuẩn bị nuôi lứa lợn mới. Với kinh nghiệm chăn nuôi hơn 10 năm, anh Chỉ cho rằng: Lựa chọn con giống ở địa chỉ mua uy tín, chú trọng vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải vật nuôi và tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh là những biện pháp tiên quyết giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, khi lợn có dấu hiệu ốm, sốt, bỏ ăn, tôi chủ động báo với lực lượng thú y địa phương để có biện pháp xử lý để tránh ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của các hộ dân khác quanh khu vực.
Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang chăn nuôi trên 1,2 triệu con lợn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2024. Thời tiết bất thường những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng của đàn lợn. Trong khi đó, bệnh DTLCP có đặc điểm lây lan nhanh, xảy ra ở mọi đối tượng lợn nuôi, vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao ngoài môi trường nên khó có thể loại bỏ nếu để xảy ra dịch bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh DTLCP, ngày 17/6, Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành công văn số 1492/ SNNMT-CNTY về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Đơn vị đã phối hợp với các Trạm kỹ thuật nông nghiệp khu vực tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở, ngành liên quan chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền người dân đẩy mạnh áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất, cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Tại các xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính đã tập trung rà soát tổng đàn vật nuôi trên địa bàn, giám sát chặt chẽ, xử lý dứt điểm các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi; khẩn trương đưa các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường ra khu vực quy hoạch chăn nuôi xa khu dân cư và kiên quyết xử lý các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, vận chuyển động vật mắc bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...
Bệnh DTLCP khi bùng phát sẽ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Cùng với đó, nguồn cung thịt lợn sụt giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm ra thị trường. Do đó, việc triển khai đồng loạt các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh sẽ góp phần hạn chế thiệt hại, ổn định thị trường, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.

Lực lượng thú y xã Tân Hưng phun hóa chất khử trùng môi trường chăn nuôi.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/quyet-liet-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-3182991.html