Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc tài chính-ngân sách khi triển khai mô hình chính quyền 2 cấp

Từ ngày 1/7/2025, các xã mới sau sáp nhập chính thức đi vào hoạt động. Nhằm bảo đảm không gián đoạn công tác tài chính-ngân sách nhà nước, chiều 26/7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt, hiệu quả.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: HOÀI PHƯƠNG)

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: HOÀI PHƯƠNG)

Không để đứt gãy ngân sách

Việc tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp là chủ trương quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Để bảo đảm việc chuyển đổi mô hình không làm gián đoạn công tác tài chính-ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể.

Về lĩnh vực kho bạc, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, các quy định hiện hành về mở tài khoản, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước đã được ban hành đầy đủ tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP, Thông tư 18/2020/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 41/2025/TT-BTC) và Thông tư 324/2016/TT-BTC. Riêng hướng dẫn cho cấp xã mới, Bộ đã ban hành Công văn 11357/BTC-KBNN ngày 25/7/2025 và Công văn 9682/BTC-KBNN ngày 30/6/2025.

 Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước. (Ảnh: HOÀI PHƯƠNG)

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước. (Ảnh: HOÀI PHƯƠNG)

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, hiện vẫn còn nhiều đơn vị cấp xã chưa mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Do đó, Kho bạc Nhà nước đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các xã khẩn trương triển khai, đồng thời yêu cầu Sở Tài chính tham mưu Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi theo hướng dẫn tại Công văn 4205/BTC-NSNN và 11113/BTC-NSNN.

Trong trường hợp chưa có dự toán ngân sách được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quyết định, cần thực hiện cấp tạm ứng theo Điều 53 Luật Ngân sách nhà nước để bảo đảm chi tiêu thiết yếu. Đồng thời, các xã cần hoàn thiện tổ chức bộ máy, bổ nhiệm kế toán trưởng, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và thực hiện đối chiếu số liệu bàn giao về việc sáp nhập từ cấp xã, cấp huyện thuộc đơn vị sáp nhập, giải thể sang đơn vị mới.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, khẳng định: “Nguyên tắc xuyên suốt là không để đứt gãy ngân sách.” Theo đó, Công văn 4205/BTC-NSNN ngày 2/4/2025 hướng dẫn cụ thể việc giao dự toán thu-chi ngân sách nhà nước năm 2025 sau sắp xếp. Các xã mới sẽ tiếp nhận toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn ngân sách của đơn vị cũ; nguồn thu và cơ chế chi không thay đổi.

 Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước. (Ảnh: HOÀI PHƯƠNG)

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước. (Ảnh: HOÀI PHƯƠNG)

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1390/QĐ-TTg ngày 27/6/2025, là cơ sở pháp lý để bảo đảm triển khai dự toán liên tục, không gián đoạn.

Bộ Tài chính đã có văn bản 8911/BTC-NSNN ngày 20/6/2025 hướng dẫn phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa tỉnh và xã, bảo đảm rõ thẩm quyền, đúng luật, sát thực tế. Các xã cũng được hướng dẫn lập dự toán ngân sách năm 2026 và kế hoạch tài chính 3 năm (2026-2028) theo Thông tư 56/2025/TT-BTC.

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương chia sẻ vướng mắc trong quá trình triển khai. Theo ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tại tỉnh cũng đã phát sinh một số vấn đề chưa lường trước được, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Tài chính, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Về cơ chế, chính sách tài chính, cơ bản tỉnh không gặp vướng mắc. Đối với các vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của tỉnh, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo tháo gỡ ngay trong tuần tới.

Với tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho biết, các câu hỏi của đơn vị liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách trong quá trình thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đã được các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính giải đáp. Sau sắp xếp, tỉnh có 166 xã, phường. Hiện tỉnh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cán bộ đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm kế toán trưởng, tỉnh đề nghị Bộ Tài chính xem xét nới lỏng điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm kế toán trưởng để các xã, phường khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đủ điều kiện thực hiện.

Về công tác quản lý tài sản công, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết Bộ đã thành lập Tổ công tác, đoàn công tác liên ngành cử cán bộ phụ trách từng địa phương để hỗ trợ xử lý tài sản công sau sáp nhập.

Tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc hiện thực hiện theo Nghị định 155/2025/NĐ-CP. Về xe công, ông Thịnh thừa nhận nhiều xã vùng biên vẫn thiếu xe công. Tuy nhiên, việc điều chuyển xe cũ từ bộ ngành là không khả thi vì xe đã xuống cấp, không phù hợp. Địa phương cần chủ động trang bị mới theo định mức.

Bộ Tài chính đã có Công văn 8400/BTC-QLCS ngày 14/6/2025 yêu cầu các Bộ phối hợp với địa phương trong xây dựng phương án sắp xếp, xử lý tài sản. Đặc biệt, Bộ đã có Công văn 11120/BTC-QLCS ngày 21/7/2025 hướng dẫn biểu mẫu báo cáo thống nhất để địa phương dễ tổng hợp, theo dõi. Bộ cũng đang xây dựng phần mềm hỗ trợ tổng hợp, báo cáo tình hình sắp xếp tài sản công.

Giải pháp đồng bộ, trách nhiệm rõ ràng

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định: “Những vướng mắc địa phương nêu chủ yếu liên quan đến thẩm quyền địa phương. Các địa phương cần chủ động giải quyết theo đúng thẩm quyền, tránh đùn đẩy trách nhiệm”.

 Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: HOÀI PHƯƠNG)

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: HOÀI PHƯƠNG)

Thứ trưởng yêu cầu Sở Tài chính các địa phương phát huy vai trò nòng cốt, theo sát địa bàn xã, phường, đặc khu để kịp thời tham mưu, hỗ trợ, không để ách tắc tài chính, ngân sách.

Đối với vướng mắc về bổ nhiệm kế toán trưởng, Thứ trưởng giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì rà soát, đề xuất phương án xử lý, báo cáo lãnh đạo Bộ trong tuần tới.

Bộ Tài chính cũng sẽ thành lập 6 tổ công tác phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Về đào tạo, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Nếu kết hợp được nhiều nội dung trong một kỳ tập huấn sẽ rất tốt. Bộ Tài chính sẵn sàng tổ chức tập huấn để địa phương có đội ngũ cán bộ tài chính vững vàng, đáp ứng yêu cầu mới”.

“Chúng ta nhất quyết đồng lòng không để vướng mắc về tài chính, ngân sách, kế toán, tài sản công ảnh hưởng đến quá trình cũng như làm giảm hiệu quả của việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

MINH PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-liet-thao-go-vuong-mac-tai-chinh-ngan-sach-khi-trien-khai-mo-hinh-chinh-quyen-2-cap-post896725.html