Quyết liệt thay đổi cách làm việc

Lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đây là việc làm cần thiết, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Hơn thế nữa, hoạt động này còn phù hợp với xu thế ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc dạy và học.

Thực tế, trong học kỳ II năm học 2019-2020, việc dạy và học đã phải thực hiện qua hình thức trực tuyến, trên truyền hình để phòng, chống dịch Covid-19. Do chưa có tiền lệ nên quá trình triển khai phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Cũng vì chưa có quy định thống nhất, các nhà trường gặp không ít khó khăn từ xây dựng chương trình, giáo án, tiêu chí trong kiểm tra, đánh giá học sinh đến điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin… Song, vượt lên trên tất cả, những khó khăn đã từng bước được các nhà trường, học sinh, phụ huynh khắc phục và năm học mang tính lịch sử 2019-2020 đã kết thúc suôn sẻ.

Điểm lại như vậy để thấy, việc sớm ban hành văn bản pháp lý quy định về dạy học trực tuyến thống nhất sẽ giúp ngành Giáo dục, các nhà trường và quan trọng nhất là bản thân các học sinh yên tâm, chủ động ứng phó trong mọi hoàn cảnh. Hiện tại, quy định này đang là dự thảo, nhưng với tính cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh, rõ ràng không cho phép các nhà trường “ngồi chờ” quy định thông qua, rồi mới triển khai…

Yêu cầu cao nhất đặt ra cho các nhà trường hiện nay là phải quyết liệt thay đổi cách làm việc, chuyển từ bị động sang chủ động trong triển khai công việc. Rút kinh nghiệm năm học vừa qua, hiện ngành Giáo dục Thủ đô và hầu hết các nhà trường đã xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để ứng phó với dịch bệnh và cả những khó khăn khách quan tương tự. Điểm mấu chốt vẫn luôn phải xác định là có thể xảy ra những tình huống xấu dẫn đến học sinh phải nghỉ học để có biện pháp phù hợp, hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ phải làm ngay từ thời điểm này là chuẩn bị tốt tâm thế cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, đồng thời sẵn sàng các điều kiện vật chất phục vụ dạy học bảo đảm an toàn, duy trì tiến độ, nền nếp học tập.

Đi vào cụ thể hơn, “nền móng” quan trọng nhất giúp đội ngũ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là phải xây dựng và hoàn thiện càng sớm càng tốt hệ thống học liệu phục vụ dạy học trực tuyến, trên truyền hình của từng khối lớp học bảo đảm chất lượng và tính thống nhất. Cùng với đó là đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, gồm phần mềm dạy học, máy tính, đường truyền internet… bảo đảm vận hành tốt, có tính bảo mật, an toàn thông tin. Việc này cần được quan tâm nhiều hơn ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi còn khó khăn để mọi học sinh đều có điều kiện học tập tốt trong mọi hoàn cảnh.

Với đội ngũ giáo viên, bên cạnh việc được các nhà trường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết, cần tự giác nâng cao trình độ, kỹ năng dạy học trực tuyến. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và học sinh để việc học trực tuyến diễn ra thuận lợi, dễ tiếp cận nhất cho học sinh.

Với các bậc cha mẹ học sinh, cần đồng hành, động viên con em mình khắc phục khó khăn để học tập tốt, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cả khi ở nhà và khi đến trường học.

Năm học 2020-2021 đã cận kề. Thay đổi cách làm việc để chủ động ứng phó trong mọi tình huống sẽ giúp năm học mới thành công, an toàn.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/976834/quyet-liet-thay-doi-cach-lam-viec