Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định vĩ mô, thì đầu tư công tiếp tục được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Tại Nam Định, với tinh thần chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ UBND tỉnh, công tác triển khai, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) đang có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại các dự án chiến lược trọng điểm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được gấp rút hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để sớm đưa vào khai thác, sử dụng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được gấp rút hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để sớm đưa vào khai thác, sử dụng.

Chủ động nguồn lực, linh hoạt phân bổ vốn, tăng tốc giải ngân

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Lan Anh: “Năm 2025, Nam Định được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch VĐTC là 8.041,644 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong nỗ lực phát huy tối đa nguồn lực, tỉnh đã linh hoạt bổ sung từ nhiều kênh, nâng tổng kế hoạch vốn được phân bổ lên đến 13.646,291 tỷ đồng, tăng gần 70% so với mức giao ban đầu. Trong đó, đáng chú ý là các nguồn từ chuyển thu, tiết kiệm chi (953,395 tỷ đồng), tiền sử dụng đất chuyển sang năm 2025 (516,463 tỷ đồng) và vốn năm trước kéo dài (34,789 tỷ đồng). Sự chủ động này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tận dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng, phục hồi kinh tế và cải thiện chất lượng đời sống nhân dân”.

Bên cạnh đó, tỉnh đã phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2025 được Chủ tịch UBND tỉnh giao bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đề cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh giải ngân VĐTC năm 2025. Tổ công tác của UBND tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân VĐTC trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên giải ngân nhanh cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng và động lực phát triển, như: Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (tỉnh lộ 490); tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484), trong đó đã hợp long cầu Lạc Quần; cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Bệnh viện Đa khoa tỉnh; các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình; dự án đầu tư Xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC); các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố.

Tính đến ngày 30/4/2025, toàn tỉnh đã giải ngân được 2.190,874 tỷ đồng, đạt 27,24% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Ước tính đến hết tháng 5/2025, con số này sẽ đạt 3.837,276 tỷ đồng (47,72%). So với quy mô kế hoạch vốn lớn mà tỉnh đã tự bổ sung và phê duyệt (13.646,291 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân ước đạt 28,23% là kết quả thể hiện nỗ lực rất lớn trong bối cảnh còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để. Trong đó, thanh toán vốn kế hoạch năm trước kéo dài đạt 44,36%, cao hơn mức bình quân, cho thấy tính chủ động trong việc xử lý các tồn đọng từ năm trước, không để lãng phí nguồn lực.

Gỡ điểm nghẽn, siết kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Mặc dù kết quả bước đầu tích cực, song tỷ lệ giải ngân đối với kế hoạch vốn năm 2025 vẫn thấp, mới đạt 28,19%; nhất là ở các dự án trọng điểm và chương trình mục tiêu quốc gia. Ở nhóm các chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng vốn giao trong năm chỉ 243,637 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn ở mức rất thấp; đến cuối tháng 4/2025, vốn đầu tư phát triển mới giải ngân đạt 2,35%, vốn sự nghiệp mới giải ngân 1,76%. Những nguyên nhân chủ yếu bao gồm: Thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài, nhất là với dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, thường phải thực hiện đồng thời nhiều quy định liên quan đến quy hoạch, đất đai, môi trường, lựa chọn nhà thầu… khiến tiến độ phê duyệt, khởi công bị chậm. Bên cạnh đó, nhiều dự án đã hoàn thành khối lượng công việc nhưng vẫn chưa thể giải ngân do các chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục nghiệm thu, thanh toán. Riêng đối với nguồn vốn từ thu tiền sử dụng đất, tiến độ tổ chức đấu giá chậm tại một số địa phương khiến không có nguồn thu để chi cho các dự án đã bố trí vốn.

Trước những thách thức đó, UBND tỉnh đã quán triệt các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh; nghiêm túc thực hiện đúng tinh thần “giải ngân phải đi đôi với hiệu quả”, bảo đảm tiến độ nhưng không buông lỏng kỷ cương, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

Tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cá nhân cho từng dự án, tiến độ giải ngân cụ thể. Chú trọng kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân VĐTC; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân VĐTC; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về đầu tư công theo quy định; quan tâm nâng cao chất lượng thông tin, báo cáo, phải đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Tỉnh sẽ đẩy mạnh kiểm soát hiện trường, thanh tra, hậu kiểm, đảm bảo giải ngân đi đôi với chất lượng công trình và tuân thủ pháp luật. Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh về giải ngân VĐTC thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Hiện tỉnh đang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn lớn trong thực hiện các dự án như: công tác giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc về đất đai, tài nguyên… Đồng thời thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm: Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Nam Định); dự án cầu Ninh Cường; chuẩn bị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến thành phố Nam Định...; đồng thời đẩy nhanh giải ngân 2 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững; chủ động rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang các dự án có tiến độ tốt nhằm tránh tình trạng “dự án có vốn nhưng không tiêu được”.

Với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh cùng cơ chế kiểm soát linh hoạt, khoa học, công tác giải ngân VĐTC của Nam Định đang từng bước vượt qua khó khăn, tạo xung lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/quyet-liet-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-be22671/