Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn người dân xuất cảnh trái phép

Từng tham gia xuất cảnh trái phép (XCTP) sang Trung Quốc lao động từ năm 2019 và bị lực lượng chức năng nước sở tại phát hiện, bắt giữ, đẩy đuổi trao trả về nước vào tháng 1/2021, sau 2 năm bán sức nơi xứ người, ông Dương Kim Chung, sinh năm 1973 ở xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) trở về với 2 bàn tay trắng. Dù kiếm được việc làm nhưng với số tiền công được trả từ 10 - 12 triệu đồng/tháng, trừ hết chi phí tiền ăn, ở cũng chẳng để ra được bao nhiêu. Không chỉ vậy, những tháng ngày sống chui lủi, ngoài vòng pháp luật nơi xứ người luôn thường trực nỗi ám ảnh bị phát hiện, bắt giữ đã làm cho người đàn ông này từ bỏ ý định tiếp tục XCTP sau khi đã an toàn trở về quê nhà.

Cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Đà Bắc triển khai các phương án nắm tình hình địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, tuyên truyền, vận động người dân, ngăn chặn xuất cảnh trái phép.

Cũng giống như ông Dương Kim Chung, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, 2 vợ chồng Triệu Quý Cường (sinh năm 1992) và Xa Thị Xành (sinh năm 1986) trú ở xóm Mạ, xã Tú Lý sau một thời gian XCTP sang Trung Quốc lao động cũng đã trở về với 2 bàn tay trắng. Không chỉ có vậy, sau khi về địa phương, những người này còn bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm hành chính về hành vi XCTP, đã khó lại càng thêm khó.

Là địa bàn có số người XCTP nhiều nhất, thời điểm cao nhất xóm Mạ có trên 30 người XCTP, chủ yếu là sang Trung Quốc làm lao động "chui”. Theo đồng chí Dương Kim Tuất, Trưởng xóm Mạ: Xóm hiện vẫn còn 8 trường hợp XCTP đang ở Trung Quốc chưa về địa phương. Cả xóm có vài chục hộ nhưng hầu như gia đình nào cũng có người XCTP sang Trung Quốc để làm thuê. Dù vậy, cuộc sống của những người dân trở về từ bên kia biên giới cũng không khấm khá hơn. Có người đi làm cả năm nhưng khi về cũng chỉ để ra được 20 - 30 triệu đồng. Thu nhập không bằng ở Việt Nam khi mức lương của họ cũng chỉ được trả từ 10 - 12 triệu đồng/tháng. Không chỉ phải nhận mức tiền công rẻ mạt, những người XCTP sang bên kia biên giới còn luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, hiểm nguy; thường xuyên truy lùng nên họ phải sống chui sống lủi để lẩn trốn. Có nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý, tịch thu tài sản trước khi trao trả. Như trường hợp của 2 vợ chồng Triệu Quý Cường và Xa Thị Xành bị lực lượng chức năng nước sở tại phát hiện, bắt và giam giữ trong nhiều tháng rồi mới đẩy đuổi, trao trả về Việt Nam.

Theo thống kê của Công an huyện Đà Bắc, năm 2021, qua công tác rà soát toàn huyện có 16 công dân nhập cảnh trái phép (NCTP); 12 công dân địa phương bị lực lượng chức năng các nước sở tại phát hiện, bắt giữ, đẩy đuổi và trao trả về nước. Tính đến hết năm 2021, toàn huyện còn 135 trường hợp công dân là người địa phương hiện đang lao động, học tập tại nước ngoài. Trong đó, 19 người XCTP sang Trung Quốc, 2 người XCTP sang lao động chui tại Nga. Qua theo dõi, nắm bắt, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện cũng đã có 7 trường hợp công dân từ nước ngoài nhập cảnh về nước. Trong đó, 5 trường hợp NCTP bị đẩy đuổi, trao trả về nước. Công an huyện đã làm việc với các trường hợp này. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trung tá Bùi Văn Bằng, Đội trưởng Đội An ninh - Công an huyện Đà Bắc chia sẻ: Do điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, việc làm, thu nhập không ổn định nên nhiều người dân đã lựa chọn con đường XCTP ra nước ngoài để tìm kiếm việc làm, những mong đổi đời. Thời điểm cao nhất, toàn huyện có đến hơn 100 người XCTP/năm. Số công dân tham gia XCTP có ở hầu khắp các xã trong toàn huyện. Nhưng chủ yếu tập trung ở các xã Tú Lý, Toàn Sơn, Trung Thành, Yên Hòa, Thị trấn Đà Bắc... Việc này đã có những tác động, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ANTT và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Xuất phát từ thực tế đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người dân XCTP và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở ngước ngoài, thời gian qua, Công an huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều biện pháp quan trọng để từng bước giải quyết hiệu quả vấn đề này. Theo trung tá Bùi Văn Bằng, một trong những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn mang lại hiệu quả tích cực là Công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, ngành chức năng địa phương tăng cường bám địa bàn, nắm đối tượng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các hoạt động XCTP đến từng hộ dân, từng đối tượng ở xóm, xã, nhất là các trường hợp từng tham gia và có ý định tham gia XCTP. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người dân. Nhiều trường hợp sau khi được tuyên truyền, vận động đã từ bỏ ý định XCTP để tìm kiếm cơ hội việc làm tại các công ty trong và ngoài tỉnh; nhiều trường hợp từng XCTP đã ký cam kết không tiếp tục XCTP. Bên cạnh đó, Công an huyện tăng cường đấu tranh, xử lý các trường hợp XCTP, nhất là các đối tượng môi giới, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Nổi bật, Công an huyện đã phá thành công chuyên án, bắt đối tượng Trần Văn Cường (sinh năm 1988) trú tại xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn khi đối tượng này đang thực hiện hành vi tổ chức cho 17 người trên địa bàn huyện Đà Bắc và các địa phương khác trong tỉnh trốn ra nước ngoài trái phép. Nhờ vậy, góp phần quan trọng giữ vững ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/164606/quyet-liet-thuc-hien-cac-giai-phap-phong-ngua,-ngan-chan-nguoi-dan-xuat-canh-trai-phep.htm