Quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi COVID-19
Nhiều kiến nghị đã được các đại biểu đề xuất tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 27/9.
Một Chương trình hỗ trợ tiền mặt với quy mô khoảng 5% GDP quý, triển khai ngay từ thời điểm này và trong các tháng còn lại của năm 2021; chú trọng giải ngân nhanh, đặc biệt là đối với những người dân đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch. Đây là một trong những kiến nghị được các đại biểu đề xuất tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 27/9.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm, với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.
Triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt
Theo ông Terence Jones, Quyền Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Việt Nam đã áp dụng hai biện pháp tài khóa kể từ đầu đại dịch. Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được ban hành vào tháng 4/2020 với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ 20 triệu công nhân bị mất việc làm do đại dịch. Một gói hỗ trợ mới trị giá 26 nghìn tỷ đồng đã được công bố vào ngày 1/7/2021 để giúp những người lao động bị ảnh hưởng bởi phong tỏa và giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch gần nhất (Nghị quyết số 68/NQ-CP). Chính phủ đã có những hành động kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình không có thu nhập do mất việc làm hoặc mất thu nhập từ công việc tự do.
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy, gói hỗ trợ vừa không đủ lớn vừa không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa, giãn cách xã hội. Nghiên cứu mới đây do Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện cho thấy, tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 8/2021. 90% số người được hỏi đã không nhận được hỗ trợ kể từ khi gói tháng 7/2021 được phê duyệt và lao động di cư, lao động tự do, người vô gia cư không đủ điều kiện được nhận trợ cấp.
Báo cáo đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện khẳng định, tỷ lệ bao phủ của các Chương trình hỗ trợ tiền mặt còn thấp do thiết kế chương trình loại trừ các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như lao động di cư không đăng ký và lao động tự do trong khu vực phi chính thức. Báo cáo chỉ ra rằng, độ bao phủ giữa các tỉnh là khác nhau vì chương trình dựa vào chính quyền địa phương để huy động nguồn kinh phí. Các quy định rườm rà cho người nhận trợ cấp và người sử dụng lao động cũng đã làm giảm tỷ lệ bao phủ, tỷ lệ giải ngân.
Ông Terence Jones kiến nghị, Chính phủ có thể triển khai ngay gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP một quý, tương đương khoảng 77.000 tỷ đồng. Số tiền này nên được giải ngân ngay trong những tháng cuối năm. Số tiền này sẽ tạo ra "hiệu ứng cấp số nhân" tới việc gia tăng tiêu dùng lớn hơn. Gói trợ cấp 77.000 tỷ đồng sẽ có tác động lớn đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế.
Quyền Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, để đạt được đồng thời mục tiêu kép là hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và kích thích tăng trưởng kinh tế cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt. Cách nhanh nhất để triển khai là áp dụng ngay gói trợ cấp trẻ em cho mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ) với điều kiện xuất trình được giấy khai sinh chứng minh độ tuổi; phụ nữ mang thai; người cao tuổi từ đủ 60 (có khoảng 11,5 triệu người), bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên với điều kiện họ không có lương hưu; người khuyết tật. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu yêu cầu về thủ tục hành chính và áp dụng việc đăng ký trực tuyến cho những người thuộc diện hỗ trợ. Tiền hỗ trợ sẽ được chi trả hàng tháng hay một lần, áp dụng cho ba tháng cuối năm 2021. Mức hỗ trợ có thể được xác định căn cứ trên mức tối thiểu để duy trì cuộc sống theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP).
Ông Terence Jones cho rằng, một mặt cần triển khai gói hỗ trợ tạm thời ngay lập tức; mặt khác cần chuẩn bị xây dựng các chương trình bổ sung nhằm duy trì tăng trưởng và tiêu dùng tư nhân trong trường hợp cần thiết. Các chương trình bổ sung cần giải quyết các vấn đề mà các chương trình ngắn hạn chưa giải quyết được. Trong đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đăng ký điện tử cho các đối tượng thụ hưởng trợ cấp xã hội dựa trên mã số định danh duy nhất thay vì dựa trên đăng ký cư trú; triển khai chương trình hỗ trợ tiền thuê trọ nhằm đảm bảo người lao động thu nhập thấp không bị đuổi khỏi nơi thuê trọ trong thời gian giãn cách do mất thu nhập dẫn đến không trả được tiền trọ; triển khai chương trình hỗ trợ máy tính bảng giá phải chăng sản xuất trong nước cho mọi trẻ trong độ tuổi đến trường cần thiết bị để học online tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội; phát phiếu mua hàng miễn phí hoặc giảm giá đối với các nhu yếu phẩm sản xuất trong nước, bao gồm gạo, rau củ quả, dầu ăn, quần áo, sách vở, dụng cụ học tập... Mục tiêu của các chính sách, chương trình đề xuất này là để hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong trường hợp kéo dài thời gian giãn cách xã hội và đồng thời để duy trì mức tiêu dùng trong nước.
Tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp
Trong tham luận gửi tới tọa đàm, dẫn số liệu từ IMF (7/2021, thống kê từ 197 quốc gia, lãnh thổ), Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, tính đến hết quý 2/2021, thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó khoảng 10.905 tỷ USD (9,7% GDP, chiếm 61% tổng các gói hỗ trợ) là các gói hỗ trợ tài khóa, còn lại 7.005 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 39%) là các giải pháp tiền tệ.
Với Việt Nam, nhằm đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19, trong năm 2020, Việt Nam đã sớm đưa ra 4 gói hỗ trợ, tổng giá trị công bố khoảng 1,1 triệu tỷ đồng; tuy nhiên tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020.
Theo ông Cấn Văn Lực, việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội, đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do: điều kiện đặt ra ban đầu chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa sát thực tiễn; quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại; nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, làm ăn thua lỗ nên không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế. Ngoài ra, khâu truyền thông, công khai minh bạch thông tin và mẫu biểu trên mạng chưa tốt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa biết cụ thể các chính sách hỗ trợ; việc phối kết hợp triển khai tại một số đơn vị, địa phương còn chậm.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các gói hỗ trợ tại các nước trên thế giới, thực trạng triển khai các gói hỗ trợ tại Việt Nam trong thời gian qua, Tiến sỹ Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ví dụ, cần tính toán để gia hạn Nghị định 52/2021; đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68 và sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc; cần thiết phải có thời hạn thực hiện cụ thể (thí dụ, tối đa 3 tháng) để đẩy nhanh hỗ trợ quý giá này. Các chính sách này cùng với các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý 2/2021). Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh ngân sách hỗ trợ từ cấu phần này sang cấu phần khác thiết thực hơn.
Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn. Ngoài gói hỗ trợ 21,3 nghìn tỷ đồng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua; cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng, chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có các động lực tăng trưởng mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro (giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động…) nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.