Quyết liệt trên 'mặt trận' tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Tính đến chiều 2-4, trên địa bàn tỉnh An Giang chưa ghi nhận cas nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, nước ta đang bước vào giai đoạn mới trong cuộc chiến chống dịch. Để góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì việc đẩy mạnh hơn nữa và đa dạng các hình thức tuyên truyền là một giải pháp quan trọng lúc này.
Bảo vệ sức khỏe nhân dân
Với tâm thế không chủ quan, lơ là và bị động, An Giang đã bước vào cuộc chiến chống Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Theo đó, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, triển khai linh hoạt nhiều giải pháp thiết thực vào từng lúc, từng nơi, trong đó tập trung quyết liệt trên “mặt trận” tuyên truyền, với mục tiêu là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp đã, đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh, nhất là quan điểm, mục tiêu của Đảng, nhà nước về phòng, chống Covid-19… với nhiều hình thức phong phú, như: trên báo, đài truyền hình, cổng thông tin điện tử, trên hệ thống loa phát thanh xã, phường; treo băng-rôn, áp-phích, phát tờ rơi, xe lưu động…
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, người lao động, từng hộ gia đình, người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc xã hội, hạn chế di chuyển. Thay đổi phương thức làm việc, sinh hoạt, thực hiện khai báo y tế tự nguyện, thông báo cơ sở y tế kịp thời về tình hình sức khỏe nếu có dấu hiệu bất thường.
Đồng thời, tuyên truyền, động viên người dân bình tĩnh, thận trọng, tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, tránh tâm lý chủ quan, hoang mang, nhất là không nên đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nhờ thực hiện quyết liệt, tập trung công tác tuyên truyền, người dân đã hạn chế ra đường và đeo khẩu trang nơi công cộng
Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, hầu hết mọi người đã chủ động đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người như: chợ, bệnh viện, các điểm giao dịch…
Nhờ công tác tuyên truyền đã vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh; tích cực ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ; chia sẻ, hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn, những người lao động phải tạm nghỉ việc...
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Thực tế qua 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 726 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngoài các tuyến đường chính, hầu hết các ngõ phố đều rất vắng xe và người qua lại, hàng quán bán thức ăn, nước uống tại chỗ, kể cả hàng rong đã tạm nghỉ 15 ngày.
Đặc biệt, người dân ra đường đều đeo khẩu trang, khi mua sắm tại nơi công cộng đều để ý giữ khoảng cách 2m… Qua đó cho thấy, công tác tuyên truyền các giải pháp phòng dịch trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đạt hiệu quả.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các cơ quan, đơn vị, kể cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích cung cấp thực phẩm, các chợ truyền thống đều thực hiện tốt công tác phòng, chống Covid-19. Đa số các tiểu thương, người dân mua, bán tại chợ đã đeo khẩu trang theo quy định.
Trả tiền mớ rau mới mua xong, chị Tuyền (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang) lấy trong giỏ chai sát khuẩn tay và nói: “Ngày nào tôi cũng nghe trên loa phát thanh gần nhà phát đi, phát lại các biện pháp phòng tránh dịch bệnh Covid-19, trong đó có rửa tay thường xuyên bằng xà bông hoặc nước sát khuẩn. Mình đi ra ngoài thế này thì nước sát khuẩn phải luôn mang theo, nhất là khi mua đồ. Tiền qua tay nhiều người, có rất nhiều vi khuẩn trên đó, biết đâu mình không may cầm phải tấm tiền có con virus, lỡ lấy tay dụi mắt, mặt sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh”.
Bà Nguyễn Thị Lượm (TP. Châu Đốc, An Giang) bày tỏ: “Từ khi có dịch bệnh Covid, tôi mua khẩu trang vải kháng khuẩn đeo. Mang khẩu trang cả ngày cũng khó chịu, nói chuyện phải lớn tiếng khách mới nghe nhưng tôi buôn bán gặp nhiều người trong ngày nên phải tự bảo vệ mình”.
Anh Khải (TP. Châu Đốc) cho biết: “Mấy ngày nay, tôi theo dõi tivi thường xuyên. Nghe Thủ tướng lệnh cách ly xã hội 15 ngày kể từ ngày 1-4-2020, tôi dặn bà xã đi siêu thị mua thức ăn đủ dùng trong 3 ngày, hết đi mua nữa, không tích trữ. Nghe mấy nhà xung quanh đòi mua gạo, mì, thịt trữ trong nhà là tôi khuyên, giải thích cho họ hiểu. Sau đó thấy họ chỉ mua vừa đủ ăn vài ba ngày thôi. Bên cạnh đó, tôi còn tuyên truyền cho người thân, lối xóm tăng cường sức đề kháng, thường xuyên rửa tay bằng xà bông, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, bước ra khỏi nhà phải mang khẩu trang. Tôi nói với mấy ông hàng xóm, tốt nhất trong vòng 15 ngày này nên ở yên trong nhà, ai ở nhà nấy... vậy là yêu nước rồi”.
Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 đang bước vào giai đoạn quyết định, có thắng lợi hay không là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng, cùng hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Mỗi người dân cần chủ động, tự giác phòng tránh dịch bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần cùng địa phương, cả nước chiến thắng dịch bệnh Covid-19.