Quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch nCoV

Tính đến ngày 11-2, Việt Nam đã ghi nhận thêm 1 ca nhiễm viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt, khẩn trương triển khai các biện pháp tổng thể, sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Cán bộ quân y BĐBP Điện Biên khám, cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn phòng chống dịch nCoV cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Xuân Khánh

Cán bộ quân y BĐBP Điện Biên khám, cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn phòng chống dịch nCoV cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Xuân Khánh

Khoanh vùng, dập dịch nCoV cho bằng được

Cho tới thời điểm hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc có 10 người nhiễm nCoV. Trước tình hình dịch nCoV, chiều 10-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch nCoV đã tới kiểm tra công tác phòng chống dịch nCoV tại Vĩnh Phúc. Đồng chí Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Trung ương và địa phương cùng phải dồn lực, tập trung mọi nguồn lực cho huyện Bình Xuyên, cả về phương tiện y tế, vật tư, thuốc sát trùng, nguồn nhân lực hỗ trợ cho huyện. Phải làm kiên quyết, khoanh vùng dập dịch cho bằng được.

Để ứng phó với dịch nCoV, Bộ Y tế và các bộ, ngành địa phương đã chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và lên các phương án sẵn sàng với các tình huống có thể xảy ra. Bộ Y tế khẳng định đủ sinh phẩm và điều kiện thực hiện xét nghiệm phát hiện dịch bệnh theo quy định. Hiện nay, cả nước có khoảng 22 đơn vị đủ khả năng thực hiện xét nghiệm, nếu huy động thêm có thể lên tới 30 đơn vị. Theo thông tin mới nhất, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ quốc tế Innogenex đã chế tạo thành công bộ công cụ phát hiện nhanh nCoV mới cho kết quả trong vòng 70 phút thay vì 3 giờ như phương pháp thử thông thường.

Về khẩu trang phòng chống dịch, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu. Theo đó, ngoài khẩu trang y tế, còn rất nhiều khẩu trang khác mà trong nước có thể tự chủ về công nghệ và sản xuất được, đó là khẩu trang có sử dụng vải kháng khuẩn và vải thô. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đang sản xuất khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn và khẩu trang dùng 1 lần, dự kiến trong 4 tuần nữa sẽ cung ứng ra thị trường với số lượng 8-10 triệu chiếc khẩu trang, có thể sử dụng sau 30 lần giặt. Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu vải bông 100% dệt thoi kháng khuẩn, sử dụng hoạt chất kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam, có khả năng kháng khuẩn tới 50% sau 15 lần giặt. Dự kiến, sau 1-2 tuần tới sẽ ra được lô sản phẩm đầu tiên. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, sẽ sớm công bố tiêu chuẩn khẩu trang đạt chất lượng y tế. Khi có tiêu chuẩn rồi, sẽ triển khai thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Cũng để phục vụ công tác phòng chống dịch nCoV, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và các địa phương đã thành lập nhiều bệnh viện dã chiến nhằm tiếp nhận điều trị, cách ly bệnh nhân và người nghi nhiễm nCoV. Trong đó, sáng 10-2, Bệnh viện dã chiến lập tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động với quy mô 300 giường bệnh, sớm hơn 1 ngày so với dự kiến. Những bệnh nhân nghi nhiễm nCoV trở nặng sẽ được chuyển đến hồi sức tích cực tại đây. Ngoài ra, còn có Bệnh viện dã chiến cơ sở 2 (huyện Nhà Bè) với 200 giường bệnh. Trong giai đoạn đầu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (thành phố Hồ Chí Minh) sẽ chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho bệnh viện dã chiến, nhân lực phục vụ ngoài chuyên môn sẽ do Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh điều động.

Đến ngày 10-2, Hà Nội vẫn chưa có trường hợp nào dương tính với nCoV, nhưng thành phố vẫn sẵn sàng cho phương án xấu nhất. Hà Nội đã chuẩn bị 3 bệnh viện dã chiến gồm: 2 cơ sở của Bộ Tư lệnh Thủ đô ở Sơn Tây, Xuân Mai với sức chứa 950 người; trường hợp cần sẽ trưng dụng thêm cơ sở dân sự là Trường Đại học Thành Đô (huyện Hoài Đức).

Ngoài 2 địa phương trên, các tỉnh biên giới Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh và tỉnh có đông bệnh nhân nhiễm nCoV là Vĩnh Phúc đã xây dựng các bệnh viện dã chiến với quy mô hàng trăm giường bệnh để tiếp nhận cách ly người nghi nhiễm nCoV và điều trị cho người nhiễm bệnh. Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La cũng bố trí các khu cách ly riêng người Việt Nam từ Trung Quốc trở về và những người nghi nhiễm nCoV.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ biên giới

Xác định phòng, chống dịch ngay từ “cửa ngõ” biên giới là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong kết quả phòng chống dịch nCoV lây lan vào nước ta, ngay từ đầu tháng 2-2020, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Kiểm dịch, Hải quan và các lực lượng chức năng Trung Quốc tại các cửa khẩu triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch.

Bộ Tư lệnh BĐBP cũng tăng cường lực lượng tổ chức chốt chặn phòng dịch trên biên giới, kiên quyết ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh qua đường mòn, lối mở. Đồng thời, chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố có cửa khẩu phối hợp với các cơ quan chức năng sẵn sàng tiếp nhận công dân Việt Nam từ các nước có dịch trở về và phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức cách ly, giám sát theo quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh việc chủ động triển khai phòng, chống dịch cho các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại biên giới, cửa khẩu, các đơn vị BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tuyên truyền cho nhân dân, hành khách qua lại cửa khẩu hiểu về nguyên nhân gây bệnh, đường lây truyền, các triệu chứng chính của dịch bệnh nCoV và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; từ chối nhập cảnh Việt Nam với người nước ngoài có biểu hiện nghi nhiễm nCoV.

Đến ngày 9-2, BĐBP đã cử 913 tổ với gần 12.800 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp bám nắm địa bàn làm công tác chốt chặn, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp chống dịch nCoV. BĐBP đã trực tiếp cấp phát hơn 100.000 khẩu trang cho nhân dân biên giới. Ngoài ra, các đơn vị BĐBP cũng đã trao tặng hơn 100.000 khẩu trang và nhiều dung dịch sát khuẩn cho lực lượng chức năng Trung Quốc làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới của nước bạn.

Đến 11 giờ, ngày 11-2, các đơn vị BĐBP phát hiện 71 người có thân nhiệt cao, trong đó, không giải quyết nhập cảnh, yêu cầu quay trở lại Trung Quốc đối với 15 người.

Hơn 1.000 người tử vong do dịch nCoV

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến trưa ngày 11-2, số ca tử vong do dịch nCoV đã tăng lên 1.018 người, trong đó có 1.016 người Trung Quốc, 1 người Philippines, 1 người ở Hồng Kông (Trung Quốc). Số ca nhiễm nCoV trên toàn thế giới là 43.102 ca, trong đó có 42.638 ca là người Trung Quốc. Số người hồi phục xuất viện là 4.044.

Tại Việt Nam, tính đến 11 giờ, ngày 11-2, ghi nhận có tổng cộng 15 trường hợp dương tính với nCoV. Việt Nam đã điều trị khỏi cho 6 trường hợp; có 789 trường hợp được xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV; 64 trường hợp tiếp tục được cách ly theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.

Ngoài ra, có 483 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm virus nCoV.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quyet-liet-trien-khai-cac-bien-phap-chong-dich-ncov/