Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo ghi nhận tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVII, 6 tháng đầu năm 2023, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc 'từ sớm, từ xa', triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển.
Chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023; tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn trình bày tại kỳ họp đã đánh giá toàn diện tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Nổi bật, là việc tập trung lãnh đạo thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược, hoàn thành giai đoạn 4 công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quan trọng của tỉnh; huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực.
UBND tỉnh cũng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những kết quả đạt được khá toàn diện, có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 1.890 tỷ đồng, bằng 45% so với chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 33,42%. Toàn tỉnh đã có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được giữ vững...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hòa Bình cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thu hẹp quy mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, tác động lớn đến các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng thấp hơn 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp - xây dựng giảm 2,05%. Tổng thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất đạt rất thấp so với kế hoạch. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp; công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án còn gặp vướng mắc, khó khăn…
Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho biết, UBND tỉnh đã đề ra 17 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6.1.2023 của Chính phủ; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 11.1.2023 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh.
Tập trung hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chủ động giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Quyết liệt thực hiện hiệu quả 4 đột phá chiến lược
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long mong muốn, cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân trên địa bàn tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần đổi mới sáng tạo; tập trung giải pháp để phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm là thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: toàn tỉnh bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, quyết liệt thực hiện hiệu quả 4 đột phá chiến lược gắn với các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, thực hiện phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2023.
Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Định kỳ đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng, dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư…