Quyết liệt 'truy' trách nhiệm hai bộ trưởng về nợ công
Có thể nói tổng mức ODA ngoài tầm kiểm soát, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh trong phiên chất vấn sáng 16/11 của Quốc hội...
Có thể nói là tổng mức ODA ngoài tầm kiểm soát, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh trong phiên chất vấn sáng 16/11 của Quốc hội.
Lúc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã hơn một lần trả lời về giải pháp kiểm soát nợ công và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã "chia lửa" về hiệu quả đầu tư, có liên quan đến nợ công.
Trước khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đăng đàn, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đã phản ánh là qua giám sát cho thấy không ít dự án vay vốn nước ngoài để đầu tư lò mổ tập trung ở địa phương nhưng không hoạt động mà vẫn vay. "Dây chuyền sắt gỉ, mạng nhện bâu đầy. Dự án mới là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 nữa. Bộ trưởng có biết tình hình hiệu quả đầu tư cho nhóm vay này đang không hiệu quả không? Nếu biết sẽ hạn chế như thế nào", Đại biểu Bộ đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói trước đây chưa có Luật Đầu tư công, việc quyết định đầu tư còn tùy tiện và vượt so với khả năng cân đối của ngân sách trung ương và địa phương. Giai đoạn 2005 – 2010 và 2011-2015 có khoảng trên 20 nghìn dự án quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu, nên thất thoát, dừng giãn hoãn rất lớn. Sau khi có luật thì 2016 – 2020 chỉ còn hơn 1000 dự án, giảm rất nhiều và bám sát khả năng xử lý của ngân sách. Nợ đọng và ứng giai đoạn trước được tập trung xử lý dứt điểm.
Trước tình trạng dự án có tổng mức đầu tư không sát thực tế, vượt lên rất nhiều mà chưa có biện pháp kiểm soát, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan xây dựng định mức để làm cơ sở khi phê duyệt.
Nguyên nhân nữa dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả, theo Bộ trưởng còn ở thời gian triển khai đầu tư khi còn nhiều thủ tục, từ giải phóng mặt bằng đến đầu thầu, mất rất nhiều thời gian, làm cho kéo dài và vốn đầu tư vượt lên, buộc phải điều chỉnh, khi không có nguồn bố trí, buộc phải dừng giãn hoãn.
Thời gian sắp tới Chính phủ đã giao rà soát toàn bộ bất cập Luật Đầu tư công để sửa, theo hướng đảm bảo chặt chẽ hiệu quả, giải quyết thủ tục thật thuận lợi, nhanh gọn, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Về vay ODA, Bộ trưởng thừa nhận đã ký vượt số 300 nghìn tỷ Quốc hội cho phép trong kế hoạch trung hạn nhưng vẫn đang kiểm soát được.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu thực tế là các dự án ODA vay nước ngoài hiện nay Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn nước có thu nhập trung bình, nên các nước cho vay bắt đầu giảm ODA ưu đãi chuyển sang giai đoạn vay thương mại – lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn.
"Chúng tôi đang đẩy nhanh triển khai các thủ tục cần thiết để giải quyết vấn đề cho các dự án sử dụng nguồn ưu đãi năm 2017 – 2018, tranh thủ nguồn ưu đãi cao đang hết vào các năm này. Sau 2018 chuyển sang vay kém ưu đãi thì sẽ giảm đi", Bộ trưởng cho biết.
Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đàm phán ký kết vượt so với 300 nghìn tỷ mà Quốc hội đã thông qua.
Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói rằng nghe hai Bộ trưởng giải thích về ODA và nợ công thì ông rất băn khoăn. Nợ công đang tăng, nhưng ODA nhiều năm vượt dự toán, có thể nói là tổng mức ODA ngoài tầm kiểm soát, đại biểu Hàm nói.
Đại biểu cho biết Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã hai lần có công văn đề nghị báo cáo về vấn đề này nhưng chưa có hồi âm. Vậy cần bao nhiêu thời gian để tổng hợp số liệu về ODA, có đảm bảo thực hiện đúng 300 nghìn tỷ như Quốc hội quyết định và có giữ được trần nợ công không? đại biểu Hàm chất vấn.
Đàm phán ký kết vốn nước ngoài vượt 300 nghìn tỷ Quốc hội cho phép thì trách nhiệm thuộc về ai? đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) tham gia "truy" trách nhiệm về an toàn nợ công.
Với chất vấn của đại biểu Bộ và đại biểu Hàm thì Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đồng, người đứng đầu ngành tài chính thừa nhận trong kế hoạch đầu tư công có 300 nghìn tỷ đồng từ vay nước ngoài nhưng số ký thêm sau lập kế hoạch mới được 4,1 tỷ. Nếu triển khai số này giải ngân tiếp sẽ vượt 300 nghìn tỷ. Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch tổng hợp lại.
"Tinh thần chung vẫn còn dư địa ODA của giai đoạn 2017 chuyển sang. Luật Ngân sách đã cho phép ngân sách địa phương được bội chi nên sẽ chuyển mạnh hướng vay về cho vay lại theo từng mức, từng địa phương", Bộ trưởng Dũng cho biết.
"Tổng thể chúng ta giữ tổng mức vay ODA, nhưng có năm có thể trồi lên, tụt xuống", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích. Ông cũng cho biết vấn đề này sẽ có tổng hợp và thuyết minh kỹ.