Quyết liệt xử lý nạn tranh chấp ngư trường trên vùng biển Tây Cà Mau
Ngày 9/1, UBND tỉnh Cà Mau có báo cáo 'hỏa tốc' gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an...về tình hình tranh cấp ngư trường đang diễn ra phức tạp trên vùng biển phía Tây của tỉnh.
Xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp ngư trường
Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, các hành vi gây mất an ninh trên vùng biển Cà Mau đã được các cơ quan chức năng tập trung xử lý.
Thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp ngư trường để khai thác thủy sản có chiều hướng gia tăng làm, ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe của ngư dân gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Từ 8/11/2023 đến đầu tháng 1/2024 đã xảy ra 8 vụ, gần nhất đó là vụ tàu cá CM-91296-TS của ông Lê Hoài Hận mà báo Kinh tế và Đô thị đã thông tin. Con tàu được ông Hận giao cho Lê Thanh Toàn trực tiếp quản lý, sử dụng, thuê ông Phong làm thuyền trưởng (hành nghề ốc bẫy mực), trên tàu có 05 người.
Một phương tiện đang ngăn cản ngư dân khai thác trên vùng biển Tây Cà Mau (video do ngư dân cung cấp)
Ngày 02/01/2024, khi tàu cá đang neo đậu tại tọa độ 09º17′N - 10437’E, thì có khoảng 04 đối tượng lạ mặt điều khiển vỏ lãi composite (một loại phương tiện đường thủy nội địa tại địa phương) đến dùng chai thủy tinh chứa xăng, đốt ném qua tàu cá, hậu quả làm tàu cá bị cháy và chìm tại tọa độ nêu trên. Sau đó, các đối tượng điều khiển phương tiện bỏ chạy.
Công an huyện U Minh đã tiếp nhận, chuyển vụ việc đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau thụ lý, điều tra.
Trước tình hình nói trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc;
Đối với trường hợp đã rõ đối tượng và hành vi, khẩn trương đưa ra xét xử theo quy định; đồng thời tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, không để phát sinh điểm nóng.
Công an tỉnh đã thành lập Ban chuyên án để điều tra, làm rõ. Kết quả, đến nay phần lớn các vụ việc đã xác định được đối tượng vi phạm, khởi tố 05 bị can.
Bên cạnh đó còn xảy ra xung đột quyền lợi, tranh chấp giữa nghề lưới kéo (cào) với nghề ốc bẫy mực (do cào làm hư ốc bẫy mực);
Qua điều tra, có sự thỏa thuận giữa nhóm tàu cào với tàu ốc bẫy mực dẫn đến việc chiếm ngư trường trái phép để trục lợi (nhóm tàu ốc bẫy mực chiếm dụng ngư trường sau đó thu tiền rồi cho nhóm tàu cào vào khai thác).
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc.
Đối với trường hợp đã rõ đối tượng và hành vi, khẩn trương đưa ra xét xử theo quy định; đồng thời tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, không để phát sinh điểm nóng.
Đồng bộ các giải pháp xử lý
UBND tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, cho chủ trương hoặc sửa đổi quy định rõ hơn về “nghề đặc thù” của từng địa phương (hoặc phân cấp, giao quyền cho địa phương có cơ chế quy định). Tỉnh đề xuất bộ hỗ trợ tỉnh về kinh phí, vốn ngân sách T.Ư, để tăng cường việc thực hiện thả rạn, chà nhân tạo, khu trú ngụ, thiết bị cắt cáp lưới kéo.
Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biển (Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư,...) tổ chức, phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp ngư trường.