Quyết liệt xử lý ô nhiễm nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước sạch phục vụ nhân dân
Theo phản ánh của nhiều hộ dân, nguồn nước phục vụ sinh hoạt của Nhà máy nước sạch Đồng Du (Bình Lục) thời gian qua không bảo đảm chất lượng, đặc biệt, vào thời điểm tháng 6/2024, nước thường xuyên vẩn đục, có mùi khó chịu. Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước mặt sông Châu tại vị trí lấy nước của Nhà máy do Trung tâm kiểm nghiệm TSL Hà Nội phát hành ngày 24/6/2024, cho thấy hàm lượng Nitrit trong mẫu nước là 1,35 mg/l, (Quy chuẩn cho phép là 0,05 mg/l) . Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?
Nguồn nước mặt ô nhiễm
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN): Nhà máy nước sạch Đồng Du, do Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà quản lý, xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Nhà máy đảm nhận cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 nghìn hộ dân của 5 xã thuộc huyện Bình Lục, gồm: Đồng Du, Tràng An, An Mỹ, Bình Nghĩa, Đồn Xá. Công suất thiết kế của Nhà máy (giai đoạn I) 4.500 m3/ngày đêm, với tiêu chuẩn cấp trung bình 100 lít nước sinh hoạt/người/ngày đêm.
Nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước sạch Đồng Du lấy trực tiếp từ sông Châu (tại vị trí thôn An Bài, xã Đồng Du) nằm trong đoạn từ đập Vĩnh Trụ đến trạm bơm Hữu Bị. Đoạn sông Châu này có nhiệm vụ là kênh tiêu chuyển nước về trạm bơm Hữu Bị tiêu ra sông Hồng. Do là trục kênh tiêu chính về trạm bơm Hữu Bị nên toàn bộ nước mưa, nước mặt, nước thải, nước từ đồng ruộng... đều tập trung đổ vào sông Châu qua hệ thống các kênh nhánh. Mặt khác hiện tại sông Châu bị tắc nghẽn tại các vị trí Quan Trung, Vĩnh Trụ, không thể lấy nước sông Hồng từ cống Tắc Giang (Chuyên Ngoại, Duy Tiên) về, nhất là vào mùa kiệt để làm giảm độ ô nhiễm khi mực nước sông Châu xuống thấp.
Năm 2013, khi đầu tư xây dựng nhà máy, chủ đầu tư đã thực hiện kiểm tra chất lượng nước sông Châu tại vị trí dự kiến xây dựng công trình và có kết luận: “So sánh các chỉ tiêu của mẫu nước sông Châu với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08/2008/BTNMT chất lượng nước hoàn toàn có thể sử dụng nước sông Châu làm nguồn nước thô cấp cho dự án”.
Tuy nhiên, hiện nay, do tốc độ phát triển kinh tế, việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón trên đồng ruộng, việc xả thải chất bẩn chăn nuôi trái phép ra môi trường (đều chảy xuống kênh tiêu)... làm nguồn nước mặt sông Châu bị ô nhiễm nặng nề. Một số đoạn tuyến trên sông, các hộ dân quây lưới nuôi thả cá và thủy cầm cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp cho nhà máy. Mực nước mùa kiệt hầu hết các sông đều ở mức thấp hơn trước đây cũng làm tăng thêm mức độ ô nhiễm cho sông Châu.
Đầu tháng 6/2024, ngay sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân về chất lượng nước, Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà đã lập tức thực hiện 2 lần xét nghiệm mẫu nước mặt sông Châu tại vị trí lấy nước của nhà máy. Kết quả thử nghiệm phát hành ngày 1/6/2024 do Trung tâm kiểm nghiệm TSL Hà Nội thực hiện hàm lượng Nitrit trong mẫu nước là 0,915 mg/l; kết quả thử nghiệm phát hành ngày 24/6/2024 hàm lượng Nitrit trong mẫu nước là 1,35 mg/l (theo Quy chuẩn QCVN 08:2023/BTNMT hàm lượng Nitrit trong nước cho phép để sử dụng vào mục đích sinh hoạt là 0,05 mg/l). Điều đó, có nghĩa, nguồn nước mặt sông Châu tại vị trí lấy nước của Nhà máy bị ô nhiễm nghiêm trọng; nhất là khi hàm lượng Nitrit vượt ngưỡng cho phép rất nhiều.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Thực tế tại Nhà máy nước sạch Đồng Du, trong quá trình vận hành, chủ doanh nghiệp thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo quy định. Định kỳ 1 lần/tháng kiểm nghiệm 7/8 thông số nhóm A (không đánh giá thông số Arsenic do sử dụng nước mặt) và 1 lần/6 tháng kiểm nghiệm 91 thông số nhóm B (do Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế thực hiện). Các mẫu xét nghiệm đều được doanh nghiệp công khai để người dân được biết.
Anh Vũ Trường Thi (công nhân vận hành Nhà máy nước sạch Đồng Du) cho biết: Trong quá trình quản lý, vận hành, khai thác, cấp nước trên địa bàn 5 xã của huyện Bình Lục, nhà máy luôn bảo đảm lưu lượng cũng như chất lượng nước sạch theo đúng quy định. Sau khi nhận được phản ánh của dư luận về chất lượng nước sạch cung cấp, chúng tôi đã triển khai kiểm tra dọc tuyến sông Sắt, sông Châu, phát hiện tình trạng một số hộ dân, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xả trực tiếp nguồn nước thải xuống lòng sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước thô tại khu vực lấy nước của nhà máy. Khi phát hiện chất lượng nước sinh hoạt không bảo đảm, đại diện đơn vị đã có công văn đề xuất xử lý việc đổ chất thải, xả thải nước sinh hoạt của các hộ dân và khu trang trại cùng các nguồn nước ô nhiễm khác trực tiếp ra sông Sắt, sông Châu gửi UBND huyện Bình Lục. Đồng thời, nhà máy cũng đã gửi khuyến cáo tới khách hàng không nên sử dụng nước trực tiếp để ăn uống trong thời gian nguồn nước thô (nước mặt) bị ô nhiễm nghiêm trọng...
Được biết, đối với những công trình cấp nước tập trung, trong đó có Nhà máy nước sạch Đồng Du, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước, cụ thể về phía thượng lưu 800m, hạ lưu 200m. Theo đó, đơn vị quản lý, vận hành nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương (huyện, xã) và ngành chức năng xác định ranh giới, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước của công trình. Đồng thời, theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước để kịp thời xử lý những hành vi gây ô nhiễm (nếu có).
Tuy nhiên, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành chức năng cộng với ý thức của một bộ phận nhân dân nên thời gian qua, trong phạm vi vùng bảo hộ của nhà máy vẫn có tình trạng xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, sản xuất ra sông. Phía thượng lưu (đập Vĩnh Trụ) có khu chợ tự phát và một số nhà hàng, quán ăn cũng xả nước thải, chất thải trực tiếp xuống sông, tuy không nằm trong vùng bảo hộ nhưng đã ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Đồng Du…
Theo ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chất lượng nguồn nước đầu vào chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt. Vì vậy, để có nguồn nước đầu vào bảo đảm chất lượng, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt trên các dòng sông nói chung, trên sông Châu nói riêng...
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục khẳng định: Ngay sau khi nhận được văn bản của Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đã về việc đề xuất xử lý việc đổ chất thải, nước sinh hoạt của các hộ dân và khu trang trại cùng các nguồn nước ô nhiễm khác trực tiếp ra sông Sắt và sông Châu, ngày 27/6/2024, UBND huyện đã có Văn bản 668 về việc bảo đảm cung cấp chất lượng nước sạch phục vụ nhân dân.
Theo đó, chỉ đạo các Nhà máy nước sạch trên địa bàn; trong đó có Nhà máy nước sạch Đồng Du thực hiện đúng các nội dung yêu cầu về giám sát, theo dõi chất lượng nước mặt tại khu vực lấy nước đã được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép; rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình vận hành khai thác theo dây chuyền công nghệ của nhà máy và việc sử dụng hóa chất theo các quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành để xử lý nước bảo đảm yêu cầu.
Trước mắt cần có biện pháp khẩn trương xử lý giảm thiểu hàm lượng Nitrit và các hoạt chất khác đảm bảo các chỉ tiêu hóa lý theo quy chuẩn chất lượng nước đầu ra. Tăng cường tích trữ nguồn nước thô khi mực nước sông Châu dâng cao hoặc có mưa nhiều, mưa lớn. Đồng thời cần khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nước, tiết kiệm nước vào thời điểm nguồn nước thô có chất lượng xấu, nhà máy buộc phải giảm công suất sản xuất.
Đối với các xã, thị trấn phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra lập biên bản, kiên quyết xử lý các hộ chăn nuôi, hộ dân có đường ống xả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi xuống lòng sông (đặc biệt trên sông Sắt và sông Châu) theo đúng quy định của pháp luật...
Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Bình Lục, các sở, ngành, địa phương liên quan, như: Sở NN&PTNN; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, UBND huyện Lý Nhân... cũng cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, khai thác, sản xuất nước sạch trên địa bàn huyện Bình Lục nói riêng, cả tỉnh nói chung. Có như vậy, mới bảo đảm đủ nguồn nước sạch sinh hoạt phục vụ nhân dân.