Quyết liệt xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) trên địa bàn Thanh Hóa được các cấp, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách Nhà nước.
Hoạt động khai thác đá trên địa bàn thị trấn Yên Lâm (Yên Định).
Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước
Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lộc, trên địa bàn huyện có 17 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh cấp phép, với tổng diện tích 68,68 ha, trữ lượng được phê duyệt là 9.355.554 m3. Bên cạnh đó, có 5 mỏ khai thác cát, 4 bãi tập kết cát và 2 khu kinh doanh vật liệu xây dựng tổng hợp; 1 mỏ đất san lấp và 4 mỏ đất sét làm gạch tuynel được cấp phép cho 25 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Để hoạt động khai thác TNKS trên địa bàn đi vào nền nếp, theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lộc Mai Xuân Tùng: UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý Nhà nước về TNKS, môi trường, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Riêng năm 2022, UBND huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các xã có mỏ khoáng sản kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng. Qua kiểm tra, có 4 doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong hoạt động KTKS, trong đó UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Xây dựng đô thị 5 và HTX khai thác chế biến đá Vĩnh Minh, mỗi đơn vị xử phạt 15 triệu đồng. Đối với 2 đơn vị còn lại, UBND huyện Vĩnh Lộc có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xác định diện tích, khối lượng khoáng sản mà các doanh nghiệp đã khai thác ngoài phạm vi ranh giới mỏ được cấp phép làm cơ sở để xác định mức xử phạt.
Không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn còn ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU, ngày 17-9-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn huyện; UBND huyện ra quyết định ban hành phương án quản lý, bảo vệ TNKS chưa khai thác trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND các xã, thị trấn, các phòng, ngành trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý TNKS, các hình thức xử phạt đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép để Nhân dân biết và chấp hành. Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các xã, thị trấn trong công tác quản lý TNKS; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, bảo vệ TNKS. Huyện cũng yêu cầu các phòng, ngành, đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nghiêm các khu vực đã được quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản. Riêng trong năm 2022 huyện đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp với số tiền xử phạt là 65 triệu đồng.
Năm 2022, UBND huyện Hà Trung phối hợp với các sở, ngành liên quan và chỉ đạo UBND các xã có mỏ khoáng sản kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác TNKS của các đơn vị. Qua kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 11 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 1,63 tỷ đồng. Ngày 21-12-2022, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can, khám xét nơi ở, nơi làm việc, bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Tân Hải có địa chỉ tại thôn Quan Tương, xã Hà Tân về tội “vi phạm về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên”, khai thác đá trái phép với tổng khối lượng 480.617,9 m3, trị giá trên 33,6 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại 5 mỏ đá ở xã Hà Tân, các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 300 mỏ khoáng sản đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định (bình quân mỗi doanh nghiệp khoảng 25 lao động, thu nhập bình quân gần 7,5 triệu đồng/người/tháng); nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật đã mang lại hiệu quả, đóng góp cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp KTKS chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật như khai thác vượt ra ngoài mốc giới được cấp phép; khai thác không đúng trình tự, phương pháp, chưa đúng thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt; tình trạng các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá trọng tải gây hư hỏng đường giao thông; một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển, gây ô nhiễm môi trường...
Trước thực trạng đó, các ngành chức năng, các địa phương có khoáng sản đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp sai phạm, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, lấy lại lòng tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2022 các phòng, ban chức năng của sở đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thông tin phản ánh của báo chí, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó sở tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền 16 vụ với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, sở đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp. Sau các đợt thanh, kiểm tra, một số doanh nghiệp đã bị UBND tỉnh phạt nặng, với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Đơn cử như ngày 17-7-2023 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã ký Quyết định số 2528/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trung Nam số tiền 650 triệu đồng vì khai thác đá vượt công suất 95,6% tại mỏ đá vôi ở xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Trước đó, ngày 7-7-2023 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng đã ký Quyết định số 2422/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Anh Việt Hương vi phạm hành chính khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới được phép khai thác (theo bề mặt) vượt 2.011 m2 tại mỏ đá xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, với mức phạt 120 triệu đồng.
Tương tự, ngày 2-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã ký ban hành Quyết định số 2284/QĐ-XPHC và số 2167/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thanh Hải vi phạm khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt, vượt 3.855 m2) tại mỏ đá xã Hà Long, huyện Hà Trung, với mức phạt 120 triệu đồng; Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh - CTCP vi phạm khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (vượt 9.404 m2) tại mỏ đá xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, với mức phạt 170 triệu đồng...
Có thể nói, thời gian qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, phát hiện, cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản đã tạo môi trường đầu tư công bằng, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trên địa bàn tỉnh.