Quyết mua S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước lựa chọn địa chiến lược

Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 cos thể xem là một biểu tượng của liên minh Nga-Thổ, song mặt khác lại khiến các nước đồng minh NATO phẫn nộ.

Bất chấp những cảnh báo của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tiếp tục nhận thêm các bộ phận mới của Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Thương vụ trị giá 2,2 tỷ euro này đã đánh dấu một cột mốc mới trong mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, song mặt khác cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “một trong những thách thức lớn nhất” đối với cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ.

Tổ hợp S-400. Ảnh: CNBC

Tổ hợp S-400. Ảnh: CNBC

Trong một thông báo trên Twitter, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc bàn giao vẫn diễn ra như dự kiến. Kèm theo dòng thông báo này là những hình ảnh cho thấy 3 chiếc máy bay mới chở các bộ phận của S400 đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Murted, gần thủ đô Ankara. Đây cũng là lập trường được các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần nhấn mạnh tới trong suốt những ngày qua.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: “Như chúng tôi nhiều lần nhấn mạnh, S-400 là vấn đề đã được thỏa thuận và việc thực hiện sẽ diễn ra theo đúng lộ trình. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đưa ra những tuyên bố cần thiết. Hiện tại, không xảy ra bất kỳ vấn đề gì và việc giao hàng sẽ được đảm bảo một cách tốt nhất.”

Những lô thiết bị đầu tiên đã bắt đầu được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ từ hôm 12/07 vừa qua. Đây cũng là thời điểm đánh dấu tròn 3 năm ngày xảy ra âm mưu đảo chính bất thành nhằm lập đổ chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan hồi năm 2016. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó là nguyên thủ quốc gia đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Erdogan để khẳng định sự đoàn kết, mong muốn nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sớm ổn định tình hình.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua S-400 của Nga hồi tháng 9/2017, với giá trị hợp đồng lên tới 2,2 tỷ eoro có thể xem là một biểu tượng của liên minh Nga- Thổ, song mặt khác lại khiến các nước đồng minh phẫn nộ. Là trụ cột ở sườn Đông Nam của NATO từ năm 1952 và là đội quân lớn thứ 2 NATO về mặt quân số, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn chưa bao giờ cho thấy là một đối tác dễ dàng. Bất đắc dĩ phải cam kết tại Afghanistan, phản đối cuộc can thiệp tại Libya và luôn bị mắc kẹt giữa cuộc chiến chống nhóm nổi dậy người Cuốc hoạt động mạnh ở trong nước và cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan đang ngày càng khiến các đối tác của mình phải lo ngại.

Với S-400, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với NATO và Mỹ. Theo lập luận của NATO và Mỹ, những hệ thống này sẽ làm phức tạp hơn các chiến dịch của phương Tây, đặt ra vấn đề về sự tương thích với các trang thiết bị quân sự đang được triển khai của NATO và thậm chí là cả an ninh của khối quân sự này.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đặt thời hạn chót tới ngày 31/07 để Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hợp đồng S-400 với Nga, nếu không sẽ phải hứng chịu trừng phạt về kinh tế. Mỹ cũng cảnh báo loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo F-35, dòng máy bay tiêm kích thế hệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nhà phân tích, dù với hợp đồng mua bán S-400, Thổ Nhĩ Kỳ đã phần nào xác định rõ lựa chọn địa chiến lược của mình, song “việc chơi trên 2 bàn cờ” rõ ràng không phải là một giải pháp lâu dài. Và S-400 có thể sẽ trở thành điểm khởi đầu cho những thay đổi lớn về các mối quan hệ địa chiến lược thời gian tới./.

Thu Hoài/VOV1
tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quyet-mua-s400-cua-nga-tho-nhi-ky-dung-truoc-lua-chon-dia-chien-luoc-932266.vov