Quyết nâng hạng thị trường chứng khoán vào 2025

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán, báo cáo kết quả trước ngày 30-6.

Ngày 28-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo nhiều bộ, ban ngành, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) niêm yết trên TTCK.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các chuyên gia trong hội nghị sáng 28-2. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các chuyên gia trong hội nghị sáng 28-2. Ảnh: VGP

Góc nhìn của người trong cuộc

Tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK; phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025”.

Thủ tướng chỉ đạo phải tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được”.

Thời gian qua, Việt Nam đã theo đuổi mục tiêu nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần được giải quyết để đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, TTCK của chúng ta đang làm rất tốt trong nhiều năm qua nhưng chưa tương xứng với vị thế. TTCK Việt phải lên một tầm cao nữa, tương đương với tất cả TTCK của các nền kinh tế thị trường lớn. “Các TTCK lớn có gì, tác nghiệp gì thì ta cũng phải làm được như mua trước bán sau, thanh toán bù trừ... Chúng ta phải nâng cấp để trở thành thị trường mới nổi” - ông Bình nói.

Ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), cho biết các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam đã nỗ lực rất cao nhưng hiện còn ba vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất là tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoại trừ các ngành nghề đặc thù có yếu tố an ninh tài chính quốc gia hoặc an ninh công nghệ cao, pháp luật cho phép tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100%, phụ thuộc vào quyết định của DN niêm yết. Do đó, ông Johan Nyvene đề xuất các DN niêm yết chủ động rà soát ngành nghề đăng ký kinh doanh để tăng giới hạn sở hữu nước ngoài.

Thứ hai, điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài. Loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài và đương nhiên sẽ giúp cho việc nâng hạng thị trường Việt Nam gần với hiện thực hơn.

Thứ ba, cải thiện và tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh từ các chủ thể tham gia thị trường là rất cần thiết. Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm, cần truyền thông tốt cho các DN niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin của mình.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Việt Nam, rất ủng hộ chủ trương nâng hạng thị trường và mong sớm ra đời đối sách bù trừ trung tâm của Việt Nam (CCP).

Các thị trường chứng khoán lớn có gì, tác nghiệp gì thì ta cũng phải làm được như mua trước bán sau, thanh toán bù trừ... vì mục tiêu nâng hạng thị trường.

Quyết liệt giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành

Trong báo cáo tóm tắt tình hình TTCK Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Vũ Thị Chân Phương cho biết năm 2023, UBCK tiếp tục quyết liệt đề ra và triển khai các giải pháp phát triển thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế, tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường.

Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành liên quan. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Tài chính, UBCK, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả tháo gỡ các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng thị trường, báo cáo kết quả trước ngày 30-6.

Cụ thể, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCK khẩn trương rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết nhằm xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên TTCK. Cùng lúc tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ KH&ĐT cần rà soát, công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Phần mình, Ngân hàng Nhà nước sẽ khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường; tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.•

Thị trường chứng khoán Việt có cơ hội tăng điểm mạnh

Theo báo cáo về nâng hạng chứng khoán lên thị trường mới nổi và tác động đến TTCK của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đưa ra gần đây, TTCK Việt Nam có thể trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh, lên đến 32% trong khoảng thời gian từ lúc được thêm vào danh sách theo dõi tiềm năng nâng hạng cho đến khi Tổ chức xếp hạng thị trường MSCI - Morgan Stanley Capital International bắt đầu thực hiện tham vấn các tổ chức đầu tư trên thế giới. Quá trình này thường diễn ra trong khoảng 9-10 tháng trong điều kiện lý tưởng.

Đây là mức tăng trung bình theo thống kê từ các thị trường đã được nâng hạng, trừ Qatar và UAE do có sự kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến thị trường biến động mạnh và thời gian nâng hạng bị kéo dài.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quyet-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-vao-2025-post778092.html