Quyết ngăn chặn hành vi chở hàng quá tải, cơi nới thành thùng xe
Tình trạng phương tiện quá tải, cơi nới thành thùng xe vẫn còn xảy ra tại một số nơi. Do đó, công tác tuần tra, xử lý phương tiện quá tải và cơi nới thành thùng xe là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Cảnh sát giao thông, bởi những hành vi này không chỉ làm hư hỏng đường sá, còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Nhiều ý kiến cho rằng, những trường hợp chở vật liệu quá tải bị rơi vãi, chảy nước xuống đường sẽ gây ô nhiễm môi trường; nền, mặt đường nhanh chóng hư hỏng; giảm “tuổi thọ” các cây cầu. Đáng lo hơn, hành vi chở hàng quá tải hay tự ý cơi nới thành thùng xe còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thao tác kỹ thuật của phương tiện, dễ gây hư hỏng đột ngột như nổ lốp, giảm hoặc mất hiệu lực của hệ thống phanh, tiềm ẩn nguy cơ lật xe khi di chuyển đến khúc cua…
Bà Bùi Thanh Hằng, người dân ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh bày tỏ quan điểm: “Các xe tải chở đất, đá thường di chuyển rất nhanh. Trong quá trình vận chuyển, một số phương tiện chở hàng quá tải, cơi nới thùng xe lại không thực hiện che chắn theo quy định, làm rơi đất, đá trên đường, dễ gây tai nạn và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân sinh sống hai bên đường”.
Điều 55, Luật Giao thông đường bộ 2008 có nêu rõ việc bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ theo khoản 4, Điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông, phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô tải (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
Để ngăn chặn những hệ lụy do xe quá khổ, quá tải gây ra, Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp chủ phương tiện tự ý cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải, tìm mọi cách trốn trách lực lượng chức năng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Cán bộ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, nắm được các tuyến đường và khung giờ mà phương tiện vận tải thường di chuyển. Trên cơ sở đó, tổ chức cắm chốt, tuần tra lưu động, phát hiện phương tiện vận tải vi phạm sẽ yêu cầu dừng xe, kiểm tra, xử lý nghiêm.
Đơn cử như vào khoảng 20 giờ 45 phút ngày 3.10.2022, tại quốc lộ 22B, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện vận tải do có hành vi giao xe ô tô tải cho người làm công điều khiển chở hàng vượt quá trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 100% đến 150%.
Ngoài việc tài xế bị tước giấy phép lái xe, chủ phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tem kiểm định và phù hiệu của xe 2 tháng.
Hơn 10 tháng qua, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ ra quân tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn và tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ.
Trong đó, tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm nơi đông dân cư; các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ; khu vực, địa bàn tập trung nhiều công trình xây dựng, đầu mối bốc xếp, trung chuyển hàng hóa trên địa bàn… Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng phát hiện, lập biên bản gần 400 trường hợp chở hàng quá tải, 6 trường hợp có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
Tất cả các trường hợp vi phạm được xử lý nghiêm theo đúng quy định. Đối với trường hợp tự cơi nới thành thùng xe, cán bộ, chiến sĩ phối hợp với đơn vị liên quan kiên quyết xử lý cắt thành thùng xe cơi nới, đồng thời có hình thức phạt bổ sung với chủ xe là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tem kiểm định.
Bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng còn tích cực phối hợp với Công an các huyện,thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng khi tham gia giao thông đường bộ. Trong quá trình xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông cũng lồng ghép vận động, tuyên truyền cho lái xe, chủ doanh nghiệp tự giác tháo dỡ thùng xe cơi nới theo đúng hồ sơ, giấy tờ đăng kiểm, không chở hàng quá tải, quá khổ.
Anh T.V.H, tài xế xe tải, ngụ huyện Tân Biên cho biết: “Sau khi nghe cán bộ tuyên truyền, vận động tháo dỡ thùng xe vượt quá quy định, tôi nhận thấy việc lái xe đúng trọng tải, kích thước ban đầu sẽ an toàn hơn. Tài xế không phải gồng mình vừa điều khiển, vừa quan sát để không xảy ra va chạm với người và phương tiện khác đang lưu thông cùng”.
Sau một thời gian kiên quyết xử lý mạnh tay, tình trạng ô tô tải cơi nới thành thùng để chở hàng hóa, vật liệu xây dựng quá tải được kéo giảm đáng kể. Tuy nhiên, Cảnh sát giao thông quyết không lơ là,chủ quan, vẫn đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các trường hợp người điều khiển, chủ phương tiện có hành vi vi phạm.
Hy vọng rằng sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm và ý thức của lái xe, chủ phương tiện vận tải, bởi thực tế, lực lượng chức năng chỉ xử lý được “phần ngọn”, còn “gốc rễ” phụ thuộc bởi chính trách nhiệm của lái xe và chủ phương tiện vận tải trong quá trình lưu thông trên đường vì sự an toàn của cộng đồng.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải. Khi tỷ lệ quá tải trên 10% đến 30% thì sẽ bị xử phạt 800.000 - 1 triệu đồng. Tỷ lệ quá tải trên 30% đến 50% bị xử phạt 3 - 5 triệu đồng. Tỷ lệ quá tải trên 50% đến 100% bị xử phạt 5 - 7 triệu đồng. Tỷ lệ quá tải trên 100% đến 150% thì bị xử phạt 7 - 8 triệu đồng. Tỷ lệ quá tải trên 150% bị xử phạt 8 - 12 triệu đồng.
Ngoài ra, khi phương tiện vượt quá tải trọng cho phép, không chỉ người điều khiển mà chủ xe cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể, khi tỷ lệ quá tải trên 10% đến 30%, cá nhân sẽ bị xử phạt từ 2 - 4 triệu đồng; tổ chức bị xử phạt từ 4 - 8 triệu đồng. Tỷ lệ quá tải trên 30% đến 50%,cá nhân bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng; tổ chức bị từ 12 - 16 triệu đồng. Tỷ lệ quá tải trên 50% đến 100% thì cá nhân bị xử phạt từ 14 - 16 triệu đồng; tổ chức bị xử phạt từ 28 - 32 triệu đồng. Tỷ lệ quá tải trên 100% đến 150%, cá nhân sẽ bị xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng; tổ chức bị xử phạt từ 32 - 36 triệu đồng. Tỷ lệ quá tải trên 150%, cá nhân sẽ bị xử phạt từ 18 - 20 triệu đồng; tổ chức bị xử phạt từ 36 - 40 triệu đồng. Bên cạnh việc bị phạt tiền, chủ xe và lái xe sẽ bị kèm theo các hình phạt bổ sung khác, tùy vào mức độ vi phạm.