Quyết nghị nhiều nội dung quan trọng
Tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIX với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV đã xem xét kỹ lưỡng các nội dung, thảo luận nhiều ý kiến tâm huyết và thông qua nhiều quyết sách quan trọng, đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Thẳng thắn thảo luận vấn đề “nóng”
Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tại kỳ họp, với 29 đại biểu đăng ký thảo luận, 19 đại biểu phát biểu thảo luận tại hội trường, 11 đại biểu phát biểu thảo luận vào các dự thảo nghị quyết, HĐND tỉnh đã đánh giá toàn diện về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, những bất cập, tồn tại hạn chế đã được các đại biểu thẳng thắn đề cập. Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu Sơn Dương nêu tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đại biểu cho biết, hiện nay nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân là rất lớn, việc mua bán, tách thửa, chuyển nhượng diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ còn chờ giải quyết là rất lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của người dân. Đại biểu chỉ ra nguyên nhân là khối lượng công việc lớn trong khi cán bộ làm công tác trích đo bản đồ địa chính còn ít, địa bàn huyện trải đều rộng khắp, do vậy gây không ít khó khăn cho tổ đo đạc tại địa phương.
Cũng liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đại biểu Chẩu Văn Huấn, Tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình nêu bất cập trong việc sáp nhập các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành Văn phòng các huyện, thành phố thành Chi nhánh Văn phòng đăng ký khu vực các huyện, thành phố cũng gây khó khăn cho người dân khi thực hiện các giao dịch hành chính về đất đai.
Thảo luận về vấn đề giáo dục, đại biểu Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, tổ đại biểu huyện Na Hang nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đại biểu đã đề xuất một số giải pháp trong lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; dạy môn Tin học và Ngoại ngữ; trang cấp, sử dụng thiết bị dạy học... Tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học Tiếng Anh, Tin học được đại biểu Phạm Kiều Trang, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa nêu. Đây là vấn đề bất cập nhiều năm nay của ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh khi số biên chế được giao không đáp ứng được nhu cầu của các địa phương. Trong khi Tuyên Quang là tỉnh miền núi, nhiều khó khăn, việc mở các trường công lập còn hạn chế.
Nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu đề cập như: Một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp so với kế hoạch; tiến độ thực hiện một số công trình dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; quản lý về lâm sản, khoáng sản, đất đai ở một số địa bàn chưa chặt chẽ; thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa còn nhiều bất cập về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị; việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo có việc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu mong muốn được quan tâm, giải quyết những vướng mắc về thể chế, về những bất cập tại cơ sở; quan tâm chăm lo việc học tập, phát triển sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét một cách kỹ lưỡng và thống nhất cao thông qua 31 nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, nhóm nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và kế hoạch phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh là những nghị quyết rất quan trọng bảo đảm sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn được phân bổ góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu khó và vùng đặc biệt khó khăn.
Mong nghị quyết sớm đi vào cuộc sống
Đồng chí Ma Văn Tích, Phó Chủ tịch HĐND xã Hà Lang (Chiêm Hóa) bày tỏ: Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này rất quan trọng, trong đó việc thông qua các nghị quyết về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của các địa phương trong thời gian tới. Thông qua các tiểu dự án thành phần từ các chương trình sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận được nhiều cơ hội phát triển, từng bước giảm dần khoảng cách giữa các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các khu vực đô thị.
Anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Cầu Bâm, xã Sơn Nam (Sơn Dương) chia sẻ, qua theo dõi, kỳ họp đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó, anh tâm đắc với Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Theo anh Toàn, anh vừa thành lập doanh nghiệp, việc có cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp rất quan trọng hiện nay. Những chính sách hỗ trợ mà HĐND tỉnh quyết nghị là phù hợp để góp phần cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả hơn và tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ pháp lý khi cần thiết.
Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng Trạm Y tế xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) phấn khởi nói, HĐND tỉnh tại kỳ họp này đã thông qua Quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho cộng tác viên dân số thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức chi có tăng hơn so với trước đây. Đây là sự quan tâm rất lớn đối với những người làm công tác dân số ở thôn, bản. Họ như một “cánh tay nối dài” của y tế cơ sở. Với quy định mức chi mới này, chắc chắn sẽ giúp đội ngũ này gắn bó hơn với công việc của mình.
Cử tri Ma Công Nhiêu, xã Minh Quang (Lâm Bình) chia sẻ: Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi đã nắm bắt được nhiều nghị quyết, chính sách sắp được triển khai. Đây đều là những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm, có ảnh hưởng tích cực nếu được triển khai hiệu quả, đặc biệt là các chính sách về giáo dục, môi trường, y tế... Cử tri rất phấn khởi và mong các nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân.
Những quyết sách quan trọng được thông qua tại Kỳ họp lần này đã thể hiện trí tuệ tập thể, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận của cử tri và nhân dân toàn tỉnh.