Quyết tâm áp đảo Trung Quốc trong lĩnh vực 'nóng', Mỹ đối mặt vấn đề 'khó giải quyết'

Ngành công nghiệp chất bán dẫn và chip được Mỹ kỳ vọng sẽ trở thành 'vũ khí đắc lực' để cạnh tranh với Trung Quốc đang phải đối mặt với một khó khăn mới đó là thiếu lao động có chuyên môn.

 Ngành chất bán dẫn của Mỹ đang phải đối mặt với "cơn khát" nhân lực.

Ngành chất bán dẫn của Mỹ đang phải đối mặt với "cơn khát" nhân lực.

Được sự hậu thuẫn của chính phủ, các công ty tại Mỹ đang đổ tiền vào xây dựng các nhà máy chất bán dẫn và nhà máy sản xuất xe điện. Với việc đầu tư vào các cơ sở sản xuất đang ở mức cao kỷ lục, Tổng thống Joe Biden tự tin rằng tương lai của hàng “made in America” đang trở nên “đáng tin hơn so với trước đây”.

Chính quyền ông Biden đang đặt cược vào lĩnh vực chất bán dẫn để hồi sinh sản xuất của Mỹ. Trong những thập kỷ qua, các nhà sản xuất chip máy tính phần lớn đã rời khỏi Mỹ, tìm đường đến các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chất bán dẫn còn trở thành “vũ khí chiến lược” giúp Trung Quốc có được những lợi thế nhất định. Để đảo ngược tình thế, chính phủ Mỹ đã quyết định chi 50 tỷ USD cho lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn trong nửa thập kỷ tới.

Chính quyền Biden đang dốc toàn lực để phát triển ngành chất bán dẫn "made in America".

Chính quyền Biden đang dốc toàn lực để phát triển ngành chất bán dẫn "made in America".

Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Mỹ đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, chính là thiếu lao động có tay nghề. Theo The Economist, các công ty sản xuất tại Mỹ đang phải vật lộn tìm nhân viên khi ngày càng có nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động.

Hiện tại, ngành công nghiệp bán dẫn sử dụng khoảng 277.000 công nhân tại 49 tiểu bang của Mỹ, chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, thiết kế và sản xuất, theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA). Ước tính đến năm 2027, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ sử dụng 319.000 lao động trực tiếp và sẽ tạo ra 2,13 triệu việc làm liên quan.

Dựa trên ước tính của SIA, vào năm 2030, ngành công nghiệp chất bán dẫn của Mỹ sẽ thiếu 67.000 kỹ thuật viên, nhà khoa học máy tính và kỹ sư trong khi ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn thế giới sẽ cần thêm khoảng 1 triệu công nhân.

Công ty sản xuất chip của TSMC tại Mỹ phải lùi ngày mở cửa vì thiếu nhân công.

Công ty sản xuất chip của TSMC tại Mỹ phải lùi ngày mở cửa vì thiếu nhân công.

Nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đang có kế hoạch đầu tư 40 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy ở Phoenix và Arizona. Sự xuất hiện của TSMC được cho là sẽ thúc đẩy cho quá trình sản xuất chất bán dẫn siêu nhỏ của Mỹ. Nếu thành công, Mỹ có thể giành lại vị trí tiên phong trong lĩnh vực sản xuất chip.

Các nhà máy đầu tiên của TSMC dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào năm tới. Tuy nhiên, vào tháng 7 vừa qua, TSMC thông báo ngày ra mắt của nhà máy này sẽ bị hoãn lại đến năm 2025 do chưa tìm đủ công nhân có chuyên môn. Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết công ty sẽ cử các kỹ thuật viên từ trụ sở chính ở Đài Loan sang đào tạo nhân viên người Mỹ.

Bà Shari Liss của tổ chức về vi điện tử Semi Foundation cho hay: “Cơn ác mộng thực sự của Mỹ là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất nhưng lại không thể xây dựng được lực lượng lao động”. Một báo cáo từ viện Brookings cũng chỉ ra rằng nước Mỹ cần có những hành động mạnh mẽ để đảm bảo đủ công nhân cho lĩnh vực chip.

Nhiều trường đại học đã triển khai các chương trình đào tạo nhân lực cho lĩnh vực chip.

Nhiều trường đại học đã triển khai các chương trình đào tạo nhân lực cho lĩnh vực chip.

Nhiều đại học tại Mỹ cũng đã bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực chip, chất bán dẫn. Mới đây nhất, chương trình đào tạo nhanh của đại học Maricopa Corporate tại Arizona kết hợp với đại học Portland Community ở Oregon đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Chương trình này được hỗ trợ bởi Intel, một nhà sản xuất chip của Mỹ và kéo dài trong vòng 10 ngày với mức trợ cấp 500 USD/sinh viên. Nhiều trường đại học khác ở bang Arizona và Ohio cũng đã cung cấp thêm các khóa học về chất bán dẫn như một phần của các văn bằng về khoa học vật lý và kỹ thuật.

Minh Nhật

Theo The Economist

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/quyet-tam-ap-dao-trung-quoc-trong-linh-vuc-nong-my-doi-mat-van-de-kho-giai-quyet-20180504224287500.htm