Quyết tâm 'cán đích' chuyển đổi số

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, năm 2023, công tác giải quyết thủ tục hành chính theo hướng điện tử hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị.

Tinh thần chuyển đổi số không chỉ “nằm trên giấy” mà đã và đang đi vào cuộc sống, được hiện thực hóa ở nhiều dịch vụ công, dịch vụ công ích, nhiều công đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính. Nhờ đó, nhiều giấy tờ đã được bãi bỏ, cắt giảm thủ tục và chi phí, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt..., góp phần tạo chuyển biến tích cực đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho xã hội và cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính gắn kết với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ vẫn còn một số “điểm nghẽn”. Thực tế này làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và mức độ đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ví dụ, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, thiếu chủ động, chưa chặt chẽ; chưa có sự kết nối, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống chuyên ngành trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt là chưa phát huy được nhân tố con người trong thực hiện đổi mới, chuyển đổi số gắn với thực hiện thủ tục hành chính.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại trên, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành hai văn bản quan trọng. Đó là: Văn bản số 4395/UBND-KSTTHC về việc thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và Kế hoạch số 326/KH-UBND về công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tinh thần chỉ đạo quan trọng trong hai văn bản này là bảo đảm việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, có trọng tâm; bảo đảm sự công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự minh bạch của bộ máy hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

Để công tác cải cách hành chính theo hướng chuyển đổi số thực sự đi vào cuộc sống, trước hết mỗi cơ quan, đơn vị của thành phố, đặc biệt là người đứng đầu cần đổi mới tư duy, liên tục đổi mới sáng tạo, thông minh hóa với dữ liệu số được kết nối và hỗ trợ từ công nghệ của toàn thể hệ thống chính trị - xã hội và mọi người. Trong đó, các cơ quan cần tập trung vào trách nhiệm công khai, minh bạch trong việc tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, đối thoại về thủ tục hành chính và xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính. Đồng thời, các cơ quan cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết, tiết giảm đến mức thấp nhất chi phí tuân thủ cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện phương châm cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính cho cơ sở, trên quan điểm bảo đảm các điều kiện tiếp nhận thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền theo quy định. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi người dân, doanh nghiệp “biết - hiểu - đồng thuận - tự nguyện - lan tỏa”, góp phần đưa nhiệm vụ chuyển đổi số "cán đích", thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống, mang lại lợi ích cho mỗi người dân, doanh nghiệp.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quyet-tam-can-dich-chuyen-doi-so-654934.html