Quyết tâm cao, hành động nhanh để bứt phá - Bài 1: Những điểm sáng
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, tác động lớn đến hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn với COVID-19; mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các cấp, các ngành, địa phương. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh còn một số hạn chế: nguồn lực đầu tư chưa tương xứng; hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ và còn nhiều hạn chế; cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu và thiếu sự chia sẻ, còn phân tán tại các cơ quan, đơn vị; chưa kết nối, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin; nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nền tảng phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh chưa thực sự sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi số toàn diện... Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh đã có kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã ra hàng loạt các nhiệm vụ để Tuyên Quang xếp hạng khá trong chuyển đổi số trong khu vực miền núi phía Bắc. Báo Tuyên Quang giới thiệu loạt bài viết về vấn đề này.
Chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu mà Tuyên Quang đã và đang đề ra. Tiếp cận chậm hơn so với nhiều địa phương khác, nhưng chuyển đổi số ở Tuyên Quang bước đầu đã đạt được những dấu ấn, với những điểm sáng từ chính sự chủ động, dám đổi mới, dám hành động.
Đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm
15 ứng dụng, phần mềm, cơ sở dữ liệu được triển khai ứng dụng trong hoạt động chỉ đạo, điều hành công việc và giải quyết thủ tục hành chính; 118/181 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc lĩnh vực tư pháp tại cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; tiếp nhận và giải quyết 11.193 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được nộp trực tuyến, 100% hồ sơ đều được giải quyết trước và đúng hạn theo quy định; triển khai thực hiện có hiệu quả việc số hóa sổ hộ tịch, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định... là kết quả của việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động với hành trình chuyển đổi số của Sở Tư pháp Tuyên Quang.
Đây được đánh giá là một trong những đơn vị chủ động, đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, số hóa các dịch vụ để phục vụ hiệu quả nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Ngay sau khi triển khai dịch vụ cấp lại, đổi thẻ BHYT do mất, không thay đổi thông tin, trong hơn 1 năm, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 3 - 2022, Bảo hiểm xã hội Tuyên Quang đã tiếp nhận 835 hồ sơ được người dân đăng ký cấp lại qua mạng Internet mà không phải đến trực tiếp để thực hiện. Trong đó, riêng 3 tháng đầu năm nay là gần 170 hồ sơ.
Mới đây nhất, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, và hướng dẫn thực hiện thí điểm việc sử dụng Căn cước công dân gắn chíp ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an trong khám, chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc hệ thống thông tin Giám định để đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tra cứu thông tin khi người dân sử dụng CCCD gắn chíp đi khám chữa bệnh BHYT. Như vậy, thay vì phải mang BHYT, nhiều giấy tờ liên quan như trước đây, thì người khám bệnh chỉ cần mang căn cước công dân gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh, tất cả mọi thông tin liên quan có thể tra cứu trực tiếp trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn. Trên địa bàn tỉnh đã có 29 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ để triển khai việc sử dụng CCCD gắn chíp để làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Ông Đàm Hiếu Trung, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Tuyên Quang khẳng định, đây chỉ là 2 trong số ít dịch vụ công trực tuyến mà đơn vị đưa cổng dịch vụ công quốc gia và được dự đoán có thể thay đổi rất nhiều trong việc thực hiện các thủ tục hành chính của người dân.
Chuyển đổi số, hay chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các công việc đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng công việc, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Công ty Điện lực Tuyên Quang hiểu rõ hơn ai hết vấn đề này. Thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến qua App điện thoại, website chăm sóc khách hàng, Cổng dịch vụ Công quốc gia… được đơn vị tuyên truyền, khuyến khích nhiều khách hàng sử dụng trong thời gian gần đây.
Không chỉ vậy, nhờ việc sớm áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản ký kỹ thuật vận hành, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã triển khai nhiều công nghệ mới trong đó phải kể đến đó là hệ thống lưới điện thông minh, Trung tâm điều khiển xa, các Trạm biến áp 110 kV không người trực hoàn toàn được quản lý vận hành và thao tác từ xa, sử dụng các thiết bị kiểm tra hệ thống điện như thiết bị đo thăm dò phóng điện, thiết bị bay flycam để kiểm tra đường dây, thay công tơ điện tử đo xa… Các hệ thống được tích hợp về máy tính qua các phần mềm để phân tích đánh giá. Đây đều là những công nghệ mới góp phần nâng cao hiệu quả công việc và đảm bảo an toàn cho người lao động.
Ông Hà Huy Tâm, Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết, công ty hiện đã số hóa trên 224 nghìn hợp đồng mua bán điện; chuẩn hóa thông tin khách hàng được 1.838 trạm biến áp; Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 86%; Cập nhật và quản lý 100% máy biến áp trên chương trình quản lý lưới điện trên bản đồ hành chính; Kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động đối với mọi công việc tiến hành trên phần mềm ECP; 100% số lượng các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi qua mạng; 100% các kế hoạch, báo cáo, văn bản ký được thực hiện trên môi trường số...
Quyết tâm tạo đột phá
Ngay sau Nghị quyết số 48 ngày 15-11-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tất cả các sở, ngành của tỉnh đều đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ở cơ sở.
Thực tế cho thấy, xây dựng chính quyền số tại Tuyên Quang tuy muộn và chậm hơn nhiều địa phương khác, nhưng lại có nhiều thuận lợi. Những năm qua, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính tại các sở, ngành, địa phương đã hình thành một “nền tảng” sẵn có, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy rất rõ điều đó qua những kết quả quan trọng, như thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền phi giấy tờ, cung cấp các dịch vụ công, chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp... Chuyển đổi số, hay nói cách khác, là bắt tay xây dựng chính quyền số tại Tuyên Quang đang được bắt đầu với khá nhiều thuận lợi.
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm này, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin Một cửa điện tử đã được triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, đã có 20 sở, ban, ngành, 7 huyện, thành phố, 138/138 xã, phường, thị trấn thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3, 4. Hết năm 2021, tỉnh đã thực hiện cung cấp 1.854 dịch vụ công, trong đó 652 dịch vụ công mức độ 2, 213 dịch vụ công mức độ 3 và 989 dịch vụ công mức độ 4. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua hệ thống là gần 147 nghìn hồ sơ; số dịch vụ công mức độ 3, 4 của tỉnh tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 572 dịch vụ.
Đã có 1.766/1.854 thủ tục hành chính của tỉnh đang thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng cho tất cả các cơ quan nhà nước, đảm bảo liên thông 4 cấp. Hết năm 2021, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 98%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy là 2%. Tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng đạt 98%, hồ sơ công việc tại cấp huyện xử lý trên môi trường mạng đạt 95%...
Có thể thấy, thời điểm này, gần như không còn đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số. Các hệ thống ngân hàng thương mại, điện lực, hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, các bệnh viện... đã áp dụng và đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy toàn diện thanh toán không dùng tiền mặt, gửi tiền không tiếp xúc đã tạo ra động lực phát triển giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và công dân số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối thanh toán với hệ thống bảo hiểm y tế, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh...
Dân số tỉnh Tuyên Quang trẻ, thuê bao di động trên dân số toàn tỉnh chiếm tỷ lệ cao, trên 80%; dân số dùng mạng xã hội chiếm trên 70%... Lợi thế này, chính là cơ hội để Tuyên Quang đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số của mình.
Tuy nhiên, với một địa phương xếp hạng 44/63 tỉnh, thành theo báo cáo đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng 10-2021, thì hành trình này còn rất nhiều việc phải làm. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang phiên bản 2.0. Đây được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Cũng từ đây, những nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố thông minh bắt đầu được triển khai quyết liệt trong hệ thống chính trị.
Bài, ảnh: Trần Liên
>> Bài 2: Khoảng trống cần lấp đầy
>> Bài 3: Những giải pháp chiến lược trong chuyển đổi số