Quyết tâm cao, hành động nhanh để bứt phá - Bài 3: Những giải pháp chiến lược trong chuyển đổi số
Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 48 về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, tiến tới đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số khu vực miền Bắc.
>> Bài 1: Những điểm sáng
>> Bài 2: Khoảng trống cần lấp đầy
Hướng đến những mục tiêu lớn
Tỉnh Tuyên Quang đã xác định việc chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, giải quyết nhanh gọn, kịp thời các thủ tục hành chính cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế thích ứng linh hoạt giữa bối cảnh dịch bệnh và tăng cường hội nhập quốc tế…BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 48 về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu đổi mới toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý Nhà nước và xã hội, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số. Cùng với đó, duy trì và từng bước nâng cao thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI); phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp loại khá, đến năm 2030 nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Bắc.
Mục tiêu Nghị quyết cũng nêu rõ phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và sử dụng trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả điện thoại di động; 100% sở, ngành, huyện, thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp mở dữ liệu phục vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm 20% GRDP, năng suất lao động tăng từ 7%/ năm, 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử…
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn cán bộ Công ty cổ phần Công nghiệp Tân Hà sử dụng
ứng dụng Bảo hiểm xã hội điện tử VSSID.
Nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi mục Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai ngay các giải pháp thực hiện chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo từng giai đoạn và tình hình thực tế của mỗi ngành, mỗi địa phương. Đồng chí Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay Sở đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh (Khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục đích nhằm nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Việc sớm triển khai thực hiện kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi số tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng giải quyết công việc, mức độ phục vụ nhân dân, tăng cường thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội trên địa bàn…
Chuyển đổi số, việc của không chỉ riêng ai
Chuyển đổi số trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay là rất quan trọng, do vậy nếu không thực hiện chuyển đổi số sẽ bị tụt hậu. Hiện nay, các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số.
Ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trong công tác dạy và học bởi dịch bệnh diễn ra phức tạp, có lúc học sinh phải tạm dừng đến trường. Do vậy, ngành đã chỉ đạo chuyển sang dạy học trực tuyến, nhiều phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến, online được ngành phối hợp với các đơn vị viễn thông triển khai đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến cũng bộc lộ những hạn chế, đó là hệ thống kết nối nhiều lúc thiếu ổn định, công tác kiểm soát, quản lý giờ học khó khăn, vẫn còn cán bộ giáo viên chưa chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, sẵn sàng chuyển đổi số. Đồng chí Vũ Đình Hưng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu trong sự phát triển của mọi lĩnh vực, việc chuyển đổi số trong giáo dục lại càng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đến nay, Sở đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-SGDĐT về Chuyển đổi số trong ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang năm 2022, định hướng đến năm 2030. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công dạy học; tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để phát triển các phần mền, ứng dụng hỗ trợ dạy học...
Các địa phương trong tỉnh cũng khẩn trương triển khai các giải pháp, đề xuất thực hiện việc chuyển đổi số dựa trên tình hình thực tiễn. Đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Na Hang cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tại địa phương, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Đồng thời, tập trung các nguồn lực phát triển hạ tầng số. Huyện phấn đấu năm 2022 đầu tư hạ tầng mạng băng thông rộng, cáp quang phủ tới 70% đơn vị hành chính cấp xã, 80% số thôn, bản và 70% số hộ gia đình. Cùng với đó, phấn đấu trên 50% dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện có đủ điều kiện đạt mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đặc biệt là trên các thiết bị di động, trên 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và hơn 60% công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng...
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có những chuyển biến rõ nét về việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiếp tục coi đây là điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng sản phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Anh Lê Minh Trường, cán bộ Phòng Kỹ thuật an toàn, đại diện cho Công ty Thủy điện Tuyên Quang từng tham gia và đoạt giải nhất cuộc thi Sáng Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh cho biết, lãnh đạo công ty luôn quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, công nhân phát huy tinh thần sáng tạo khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn sản xuất. Công ty coi đó là những chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của mội cán bộ, công nhân, người lao động. Ở bộ phận nào thì việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cũng giữ vai trò hết sức quan trọng. Từ đó giúp việc sản xuất được hiệu quả hơn, an toàn hơn.
Những lợi ích của việc chuyển đổi số mang lại cho mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Do vậy càng sớm triển khai thực hiện việc chuyển đổi số thì chất lượng, hiệu quả công việc từng bước được nâng cao. Tỉnh đã có những bước đi chiến lược nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của nhân dân trong thời kỳ đổi mới.