Quyết tâm cao, tập trung hành động

Thầy và trò Trường Tểu học Hòa Thắng 2 dạy và học trong ngôi trường sáp nhập vừa đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: KHÁNH HÀ

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (Nghị quyết 18, 19-NQ/TW) của Trung ương 6 (khóa XII) là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Sau ba năm, Phú Yên tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra, đòi hỏi có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

BÀI 1: Gọn bộ máy, tăng hiệu quả hoạt động

Ba năm qua, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong tỉnh từng bước đổi mới, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Tăng năng lực cho y tế dự phòng

Đầu năm, đội ngũ y tế dự phòng Phú Yên dốc toàn lực phòng chống COVID-19. Đến khi tình hình COVID-19 tạm ổn, lực lượng này lại đối mặt với bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh. Song song đó, họ ra quân phòng chống bệnh tay chân miệng, bạch hầu, tiêm chủng mở rộng... Khi sốt xuất huyết vừa giảm xuống, họ tiếp tục gồng mình phòng chống “làn sóng” COVID-19 thứ hai.

Lịch dày là vậy, nhưng công việc được thực hiện khá hiệu quả. Điều đó cho thấy việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (gọi tắt là Phú Yên CDC) rất kịp thời. Phú Yên CDC là sự hợp nhất của 3 đơn vị: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, có 3 phòng, 9 khoa chức năng với hơn 100 cán bộ, viên chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, phòng chống bệnh xã hội, phòng chống HIV/AIDS, truyền thông giáo dục sức khỏe…

Sự ra đời của Phú Yên CDC là bước ngoặt trong quá trình cơ cấu và tổ chức của hệ thống Y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh. Anh Tạ Quốc Hội (Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe) cho hay: Quy về một đầu mối, tôi thấy công việc thuận lợi hơn trong việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn. Truyền thông, giáo dục sức khỏe kịp thời, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Phú Yên CDC, điều thuận lợi là khi hợp nhất, trung tâm có đủ bác sĩ để tham gia phòng chống dịch. Trước kia, đơn vị thường thiếu bác sĩ bên dự phòng thì nay có lực lượng bác sĩ bộ phận truyền thông và HIV/AIDS cùng tham gia. Phú Yên CDC là một tập thể đoàn kết, trách nhiệm, nêu cao y đức, thái độ phục vụ… góp phần xứng đáng vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Giảm số lượng trường học, nâng chất lượng giáo dục

Niềm vui của thầy trò Trường tiểu học Hòa Thắng 2, huyện Phú Hòa, những ngày đầu năm học mới 2020-2021 được nhân lên khi ngôi trường này vinh dự đón nhận bằng công nhận trường chuẩn quốc gia. Dẫn chúng tôi tham quan dãy tầng lầu với các lớp học khang trang, khuôn viên có hàng cây rợp bóng mát, thầy Ung Vĩnh Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cuối tháng 8/2018, Trường tiểu học Hòa Thắng 2 được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai trường tiểu học: Hòa Thắng 2 và Hòa Thắng 4. Trường có 3 điểm trường với 23 lớp học, 777 học sinh và 37 cán bộ, giáo viên. Sau sáp nhập, nhà trường tiếp tục ổn định tâm lý, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên; đồng thời tập trung đổi mới chuyên môn, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”.

Theo thầy Thắng, trước khi về chung một nhà vào tháng 8/2018, cơ sở vật chất của hai trường xuống cấp, thiếu trang thiết bị dạy học. Khi sáp nhập, nhà trường được huyện Phú Hòa quan tâm đầu tư xây dựng 4 dãy trường tầng với các phòng học, phòng chức năng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

“Sau sáp nhập, hoạt động dạy và học của nhà trường được cơ quan chuyên môn đánh giá có nhiều chuyển biến, chất lượng tăng lên. Kết thúc năm học 2019-2020, tất cả học sinh đều hoàn thành chương trình năm học. Trường đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp huyện và cấp tỉnh. Tháng 7/2020, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2. Những kết quả này đã tiếp thêm niềm vui, quyết tâm để thầy trò nhà trường tiếp tục vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong sự nghiệp giáo dục”, thầy Thắng bày tỏ.

Hai nhập một, sức mạnh nhân đôi

Trở lại khu phố 9, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh một năm sau khi sáp nhập từ buôn Suối Mây và khu phố 9, chúng tôi thấy rõ những đổi thay nơi đây. Già làng Hoàng Văn Tuấn phấn khởi chia sẻ: “Hai nhập một, chính là lòng dân, ý Đảng; đây cũng chính là tiếng lòng của tôi và tập thể lãnh đạo thị trấn, thống nhất, đồng thuận mở ra môi trường phát triển mới cho buôn Suối Mây nói riêng và thị trấn nói chung”.

Trong tiến trình sáp nhập, công tác nhân sự tiến hành thuận lợi, cử tri nhân dân đồng thuận, 100% đại biểu HĐND biểu quyết tán thành thông qua nghị quyết sáp nhập là những hành động thể hiện của sức mạnh niềm tin. Được như vậy là nhờ tập thể lãnh đạo thị trấn đã song hành triển khai các công việc để sáp nhập không gây ảnh hưởng, xáo trộn đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả hai; giải quyết tốt nhất mọi vướng mắc nảy sinh, đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực và cải thiện dân sinh sau khi sáp nhập.

Những con đường bê tông trải thẳng tắp từ các hẻm phố đến khu sản xuất thuận lợi cho việc giao thương buôn bán. Người dân mở rộng hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế ổn định; tư tưởng của cán bộ, công chức, đảng viên và người dân thông suốt, đoàn kết một lòng. Sau khi sáp nhập, khu phố 9 cũng không còn sự hỗ trợ của các chương trình 134, 135 mà tự lực vươn lên, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm cùng phát triển. Những tín hiệu vui bước đầu từ đề án sáp nhập làm cho người dân nơi đây càng vững tin hơn vào chủ trương của Đảng.

Phó Bí thư thường trực Đảng ủy thị trấn Hai Riêng Nguyễn Thanh Hoài cho biết: “Huyện Sông Hinh có đến 16 thôn, buôn, khu phố sáp nhập. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc sáp nhập 8 thôn, buôn, khu phố; đồng thời hợp nhất 10 trường mầm non và tiểu học. Việc sáp nhập thôn, buôn, khu phố phù hợp với quy mô diện tích, dân số, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chính quyền cơ sở trong việc quản lý hành chính. Đồng thời tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương”.

Đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 181 tổ chức, gồm: 1 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 3 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 53 phòng, 4 chi cục, 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp sở, 90 đơn vị trường học, 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, 11 trạm Y tế thuộc trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và 9 trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh cũng đã sáp nhập 44/625 thôn (buôn, khu phố), qua đó giảm 22 thôn.

Việc thực hiện Nghị quyết 18, 19/NQ-TW đã tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng phát triển của địa phương, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, góp phần xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả và nâng cao phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đồng chí Trần Hữu Thế,

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

BÀI 2: Tạo “đất” để cán bộ phát huy năng lực

KHÁNH HÀ - VŨ HOÀNG - THÙY THẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/246081/quyet-tam-cao-tap-trung-hanh-dong.html