Quyết tâm chặn đứng nạn 'thiếc tặc' ở Lạc Dương
Mặc dù liên tục bị cơ quan chức năng ra quân truy quét, xử lý nghiêm nhưng vì lợi ích vật chất, vẫn còn một số đối tượng từ các địa phương khác tới vùng rừng núi hiểm trở thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), bất chấp hiểm nguy, lén lút khai thác thiếc trái pháp luật.
Tới nay, vẫn chưa có tài liệu nào của cơ quan chức năng đánh giá chi tiết trữ lượng khoáng sản là kim loại thiếc ở khu vực núi Khôn, núi Cao, thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Dù vậy, theo người dân tộc thiểu số ở địa phương, hoạt động khai thác thiếc tự phát ở đây đã xảy ra từ trước năm 1975 và tới nay vẫn còn âm ỉ. Trong quá khứ, vùng đất này từng trở thành điểm “nóng” về an ninh trật tự với các nhóm người tới từ nhiều địa phương đến đây tranh giành ảnh hưởng, phân chia khu vực để khai thác khoáng sản trái phép.
Khi điểm nóng mang tên núi Cao hình thành, lực lượng Công an đã được tăng cường tới khu vực trên để răn đe, trấn áp và thường xuyên ra quân truy quét. Không thể trụ lại, các băng nhóm “thiếc tặc” lụi tàn dần, dạt đi nơi khác và trả lại sự bình yên cho núi rừng. Tới nay, hoạt động khai thác thiếc trái pháp luật ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương không còn diễn ra ngang nhiên, lộng hành nhưng vẫn âm ỉ, chỉ cần lơ là, buông lỏng quản lý là nguy cơ bùng phát trở lại.
Dấu tích khai thác thiếc trái pháp luật ở khu vực tiểu khu 143, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương được minh chứng rõ qua hàng chục hầm hố thẳng đứng, ngang dọc, đào sâu vào lòng đất hàng chục mét. Những hầm hố này phần lớn đã được các nhóm “thiếc tặc” tạo ra từ cách đây nhiều năm trước, nay trở thành cái bẫy chết người. Vì thế, các CBCS Công an và lực lượng chức năng mỗi khi tiến vào truy quét các đối tượng khai thác thiếc trái pháp luật ở núi Cao, núi Khôn luôn phải căn dặn nhau hết sức thận trọng, cảnh giác cao độ khi di chuyển. Một sơ suất nhỏ, không may rơi vào hầm thiếc sâu hun hút dưới lòng đất, e rằng tính mạng thật khó mà giữ được.
Mặc dù tình trạng khai thác thiếc trái phép tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương vẫn còn xảy ra ở một số thời điểm trong năm nhưng so với trước đây, hoạt động này đã giảm đi rất nhiều. Sự vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh của lực lượng Công an và chính quyền địa phương đã khiến những kẻ cộm cán, có tiếng trong các nhóm “thiếc tặc” ở Lạc Dương phải bỏ nghề, dân “anh chị” tứ xứ không còn đất sống buộc phải dạt đi nơi khác. An ninh trật tự tại khu vực rừng núi hiểm trở này ngày càng được giữ vững.
Dù vậy, với lợi ích vật chất do khoáng sản thiếc đem lại, một số đối tượng từ các địa phương khác vẫn tìm tới khu vực rừng núi Đạ Sar để tìm vận may. Thông thường, hằng năm cứ vào mùa khô, đường lên núi Cao, núi Khôn và việc di chuyển thiết bị, máy móc vào rừng trở nên thuận tiện hơn, một số đối tượng lại quay về khu vực này lén lút tổ chức khai thác thiếc lậu. Nắm bắt được quy luật đó, ngay từ những ngày đầu mùa khô năm 2023, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan tới tài nguyên, khoáng sản, trong đó có hoạt động khai thác thiếc trái phép ở núi Cao, núi Khôn.
Theo ông Liêng Jrang Ha Rô Ky, Chủ tịch UBND xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm hành vi khai thác thiếc trái phép ở địa phương, trong năm qua xã đã phối hợp chặt chẽ với các phòng chức năng của huyện tuần tra, liên tục truy quét “thiếc tặc”. UBND huyện Lạc Dương lập đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có lực lượng Công an, kiểm lâm, tài nguyên môi trường, ban quản lý rừng… cùng tham gia. Trong những lần truy quét, ngoài thu hồi, thống nhất xử lý tiêu hủy các loại máy móc, tang vật liên quan ngay tại chỗ (vì không thể di chuyển ra ngoài), lực lượng chức năng còn tổ chức đánh sập, vùi lấp các miệng hầm nhằm ngăn chặn đối tượng quay trở lại để khai thác.
Khó khăn lớn nhất đối với hoạt động truy quét “thiếc tặc” ở xã Đạ Sar là lợi dụng địa hình hiểm trở, đồi núi rộng lớn, quá trình khai thác các đối tượng thường cắt cử người canh gác nên khi phát hiện lực lượng chức năng, “thiếc tặc” bỏ chạy rất nhanh, trốn ngay vào rừng sâu.
Trong năm 2023, UBND xã Đạ Sar đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện 18 đợt truy quét, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép tại tiểu khu 119 (núi Khôn), tiểu khu 143 (núi Cao). Kết quả của các đợt kiểm tra, truy quét, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 22 máy nổ, 4 máy phát điện, 11 môtơ, 9 dàn rung, 32 chòi bạt, 4 xe rùa, 750m ống nước, 445m dây điện, máy xay...
Để công tác đấu tranh với nạn khai thác khoáng sản trái phép có hiệu quả, UBND huyện Lạc Dương cũng đã chỉ đạo Công an huyện, các phòng chức năng và UBND các xã, thị trấn, tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm, không để tái diễn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan có hành vi bao che, tiếp tay, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và khuyến khích người dân trong công tác đấu tranh, tố giác loại tội phạm này.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/quyet-tam-chan-dung-nan-thiec-tac-o-lac-duong-i720761/