Quyết tâm chống dịch và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế
Tuy rút ngắn 8 ngày nhưng Quốc hội khóa XV vẫn hoàn thành những công việc cơ bản của kỳ họp thứ nhất. Ngoài việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt cho bộ máy lãnh đạo đất nước, Quốc hội cũng đã bày tỏ ý chí thống nhất cùng với Chính phủ trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 và quyết tâm thực hiện 'mục tiêu kép' vừa chống dịch, vừa chăm lo phát triển kinh tế, tăng cường khả năng thích ứng với khó khăn, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Chừng này năm ngoái, khi số ca dương tính với SARS-CoV-2 chỉ ở mức mấy trăm, Chính phủ đã chuẩn bị kịch bản cho trường hợp cả nước có 30.000 ca lây nhiễm. Chúng ta đã từng làm nên “kỳ tích chống dịch” khi duy trì đến mức thấp nhất số ca dương tính.
Nhưng rồi, điều gì đến cũng đã đến. Những ca tử vong đầu tiên được ghi nhận, dẫu biết rằng, còn có nguyên nhân sâu xa là họ đã mắc các bệnh lý nền. Rồi những chùm ca bệnh âm thầm lây nhiễm trong các khu công nghiệp và cộng đồng với con số hàng chục, hàng trăm người được ghi nhận mỗi ngày. Lại tiếp tục truy vết, cách ly, điều trị. Nhưng đến lúc phải chấp nhận tình trạng mất dấu F0.
Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… và bây giờ là TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã trở thành tâm dịch. Trong đó, nghiêm trọng nhất là TP. Hồ Chí Minh với hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày. Số bệnh nhân Covid-19 cả nước đã vượt ngưỡng 100.000 chỉ sau gần 3 tháng làn sóng lây lan thứ 4 bùng phát.
“Đầu tàu” kinh tế của đất nước đã thực sự lâm trọng bệnh. Lần đầu tiên, một thành phố được xem là năng động, sáng tạo, mạnh mẽ nhất cả nước như TP. Hồ Chí Minh đã phải kêu gọi sự hỗ trợ nhân lực, vật lực từ nhiều địa phương để chống dịch. Ở chiều ngược lại, hàng chục ngàn lao động, nhiều chuyến bay, những đoàn tàu lửa, ô tô liên tục đưa người lao động về các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên nhằm san sẻ gánh nặng với TP. Hồ Chí Minh.
Dịch đã lan ra hầu khắp các địa phương. Những biện pháp cứng rắn nhất đã được áp dụng. Chống dịch trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này. Không chỉ đơn thuần là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người mà còn là để giữ yên đất nước. Vì hơn lúc nào hết, đây là lúc chứng minh tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với người dân, với dân tộc; là lúc để tinh thần vì nước, vì dân của những người đứng đầu, của bộ máy công quyền trước những thử thách cam go mà trách nhiệm của công bộc phải hóa giải bằng tất cả trí tuệ, tâm sức của mình.
Thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế là nhiệm vụ đã được Chính phủ khẳng định trên tinh thần tất cả vì tính mạng con người. Nhiều địa phương có cách làm khoa học, sáng tạo trên cơ sở đánh giá đúng tình hình dịch bệnh, đề ra các biện pháp phù hợp, vừa ngăn chặn được dịch bệnh mà vẫn hạn chế tối đa ảnh hưởng đến nền kinh tế. Thế nhưng, cũng có nơi vì quá lo lắng mà đã có những cách làm thái quá, cực đoan, gây thiệt đơn thiệt kép cho nền kinh tế và đời sống người dân vùng dịch.
Đất nước là một cơ thể sống, không thể vì một nơi bị bệnh mà cắt rời tất cả. Vấn đề là cách ly mà không tách rời. Không vì để dễ cho việc quản lý mà đẩy khó cho dân, không quan tâm đến những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu từ đại dịch. Vì vậy, việc giải ngân gói hỗ trợ an sinh 26.000 tỷ đồng cho người dân mất thu nhập cần phải đẩy nhanh và đúng đối tượng.
Mặc dù GDP nửa đầu năm nay tăng 5,64%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhưng con số 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi tháng (trong đó có 622 doanh nghiệp vốn trên 100 tỷ đồng), trong khi số thành lập mới bình quân chỉ 3.830 doanh nghiệp, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái thực sự là điều đáng lo ngại, đòi hỏi Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bớt khó khăn mà còn có cơ hội phục hồi, bứt phá thời gian tới.
Cần phải có giải pháp lâu dài vì có thể phải sống chung với dịch bệnh trong một vài năm tới. Bên cạnh các giải pháp chiến lược là vắc xin + 5K, điều trị, nâng cao trách nhiệm xã hội, cần phải có các kịch bản cụ thể từ phía Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Quốc hội đã đưa công tác phòng-chống dịch của Chính phủ vào nghị quyết của kỳ họp thứ nhất, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ trong việc quyết định các vấn đề liên quan nhằm huy động nguồn lực tổng hợp từ Trung ương đến các địa phương nhằm nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những khó khăn, thử thách mang tính toàn cầu.