Quyết tâm đẩy lùi sốt xuất huyết

Tính đến ngày 2-8, trên địa bàn huyện Bù Đăng, cơ quan chuyên môn đã phát hiện và xử lý 93 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 106% so với năm 2022. Những điểm nóng phát sinh ổ dịch như: xã Bom Bo với 18 ổ dịch, 83 ca được phát hiện và xử lý; thị trấn Đức Phong 17 ổ dịch, 63 ca; xã Thọ Sơn 37 ca, trong đó 1 ca tử vong. Toàn huyện ghi nhận 575 ca mắc SXH, tăng 393 ca (215,9%) so với cùng kỳ.

Thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, nơi có đông đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống đã trở thành điểm nóng về SXH. Gia đình ông Điểu Giai ở thôn Sơn Hòa có người mất do SXH cách đây khoảng 3 tháng, lực lượng y tế, dân quân tự vệ xã tiếp tục hỗ trợ gia đình phun hóa chất diệt lăng quăng, đổ nước trong các vật dụng quanh nhà để phòng bệnh. Ông Điểu Giai nhớ lại: Vợ tôi phát bệnh, mấy ngày đầu sốt sơ sơ, nghĩ là bệnh thường chứ không biết bị SXH. Sang ngày thứ 6 thì bệnh trở nặng, gia đình chuyển ngay tới Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng. Bác sĩ làm giấy chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước, rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh, cuối cùng là chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP. Hồ Chí Minh). Nhưng vợ tôi đã không qua khỏi.

Nhân viên y tế cùng dân quân tự vệ xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng đến từng nhà người dân để tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Hiện bệnh SXH vẫn là nỗi ám ảnh đối với gia đình ông Điểu Giai khi người con thứ 3 của ông mới bị, đang điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước. Đây là ca thứ 7 trong tổng số 10 thành viên của gia đình ông mắc SXH trong mùa này.

Bà Lê Thị Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn thông tin thêm: Khi phát hiện trường hợp ở thôn Sơn Hòa mắc SXH chuyển biến nặng phải chuyển đi thành phố, Trạm Y tế xã đã tham mưu UBND xã xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch. Song song với tuyên truyền là phối hợp tổ chức diệt lăng quăng, phun thuốc trên diện rộng ở 3 thôn trọng điểm là Sơn Hòa, Sơn Lợi và Sơn Hiệp. Hiện tại, trên địa bàn không phát sinh ổ dịch mới.

Lý giải về nguyên nhân dịch SXH bùng phát mạnh trong mùa mưa năm nay, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Thanh cho biết: Kết quả giải mã trình tự gen của Viện Pasteur cho thấy, chủng vi-rút lây lan bệnh là DEN-2. Chủng này gây bệnh nặng và dễ lây lan hơn so với những năm trước. Nguyên nhân dịch chưa giảm còn do một số yếu tố như mưa nhiều, công tác vệ sinh môi trường chưa triệt để...

Dân quân tự vệ xã Thọ Sơn tham gia phun hóa chất diệt lăng quăng tại các ổ dịch sốt xuất huyết

Dân quân tự vệ xã Thọ Sơn tham gia phun hóa chất diệt lăng quăng tại các ổ dịch sốt xuất huyết

Nhằm xử lý tận gốc các ổ dịch, lực lượng chuyên môn huyện Bù Đăng đã xử lý hóa chất diện rộng với tổng 4.060 lượt hộ đủ 2 vòng phun hóa chất. Bên cạnh đó, hằng ngày cử cán bộ theo dõi, kiểm tra, giám sát, điều tra côn trùng, đánh giá mật độ muỗi, lăng quăng để định hướng cho công tác phòng, chống dịch, phun hóa chất diệt muỗi theo quy định.

Ngày 2-8, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2623/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền vì hiện tượng El Nino. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong đầu tháng 8 và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao... Đảm bảo tất cả hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng/bọ gậy hiệu quả.

Hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chuyên môn, cả hệ thống chính trị và người dân sẽ sớm đẩy lùi dịch SXH.

Phạm Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/147139/quyet-tam-day-lui-sot-xuat-huyet