Quyết tâm đổi mới, tạo động lực cho sự phát triển
Tiếp tục đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới là tinh thần nổi bật, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động nghị trường ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc họp quan trọng đầu tiên của khóa XV, một trong những yêu cầu đổi mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới trước toàn thể đại biểu, đó là "Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước…".
Lĩnh hội những định hướng cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc gặp mặt phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ngay sau khi hoàn thành công tác nhân sự nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã một lần nữa đề cập sâu sắc nội dung đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ XV. Và một trong những trọng tâm đổi mới được người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh đó chính là công tác lập pháp.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp
Theo Chủ tịch Quốc hội, phải nâng cao chất lượng công tác lập pháp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu. Nhấn mạnh: Mục tiêu mà Quốc hội luôn luôn theo đuổi là phải xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi và đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phục vụ đất nước phát triển bền vững cũng như hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải khắc phục cho được tình trạng "luật khung", "luật ống", nhưng cũng phải khắc phục cho được xu hướng quy định quá chi tiết, đóng cứng trong luật cả những vấn đề thực tiễn chưa rõ, làm cho "tuổi thọ" của luật không lâu. Đây là yêu cầu được người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh không chỉ tại nghị trường mà còn tại các cuộc làm việc với những cơ quan liên quan tới công tác này.
Tư tưởng đổi mới quyết liệt trong công tác lập pháp tiếp tục được triển khai mạnh mẽ tiếp ngay đó. Để chuẩn bị cho các dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra vào cuối năm nay, vào trung tuần tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch đã dành trọn một ngày làm việc với Thường trực của một số Ủy ban của Quốc hội về việc triển khai thẩm tra các dự án luật này. Đây là các dự án luật sẽ "mở hàng" cho việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2. Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Quốc hội đã đưa ra các định hướng lớn nhằm chuẩn bị kỹ hơn cho công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng luật có "tuổi thọ" ngắn, phải sửa đổi liên tục và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV mới đây cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)- sản phẩm đầu tiên về công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là cơ hội để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện lời hứa, hiện thực hóa chương trình hành động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nâng cao chất lượng công tác lập pháp phải gắn với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương về công tác lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan đến chuẩn bị, trình và thẩm tra các dự án luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, từ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này, công tác lập pháp phải khắc phục được tình trạng "luật ống", "luật khung" và quy định cứng, chi tiết những vấn đề chưa đủ rõ khiến luật chưa sửa xong đã thấy bất cập, dẫn đến "tuổi thọ" của luật thấp. Đồng thời, khắc phục được tính chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của pháp luật.
Giải quyết "điễm nghẽn" về thể chế
Việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật cũng là nội dung được Chính phủ nhiệm kỳ mới đặc biệt quan tâm.
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 17/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm giải quyết những ách tắc, vướng mắc, "điểm nghẽn" về thể chế đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được tháo gỡ để tạo động lực mới, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển, nhất là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế - một trong ba khâu đột phá chiến lược - bằng các biện pháp cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, các Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua; sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng luật pháp, nâng cao chất lượng các quy định; tăng cường nhân lực cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, dành ưu tiên về nhân lực cho việc khó này...
Thủ tướng phân tích và nhấn mạnh phải ưu tiên đầu tư cho công tác này cho đúng tầm một khâu đột phá chiến lược cả về con người, vật chất, điều kiện làm việc, bố trí những cán bộ có năng lực, trình độ, nhiệt huyết. Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm các khoản chi thường xuyên khác để tập trung cho ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá thể chế. Đây là việc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa- người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Trước đó, cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Trong đó Thủ tướng yêu cầu: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách và soạn thảo, trình văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Quyết tâm tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, thể chế đã được triển khai mạnh mẽ ngay đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, Quốc hội, là những bước chuyển rõ nét trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước.