Quyết tâm đột phá trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết án hình sự

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, ngay từ giai đoạn đầu tiên, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đơn vị đã chọn nội dung này làm khâu đột phá ở lĩnh vực hình sự trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ năm 2022.

Theo đồng chí Lê Nguyễn Trường Sơn - Viện trưởng VKSND huyện Châu Thành, năm 2021, đơn vị đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết đối với 81 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tiến hành trực tiếp kiểm sát 1 cuộc và ban hành 1 kiến nghị đối với cơ quan điều tra để yêu cầu khắc phục vi phạm. Trong quý I-2022, đơn vị thụ lý kiểm sát giải quyết 15 tin báo hình sự. Quá trình thực hiện, VKSND huyện đã tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo mọi tội phạm đều được phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nhìn nhận lại việc nắm, quản lý và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì đôi lúc sự phối hợp giữa viện kiểm sát với cơ quan tiến hành tố tụng chưa được chặt chẽ. Công tác phát hiện vi phạm và kiến nghị yêu cầu khắc phục đôi lúc chưa kịp thời...

VKSND huyện Châu Thành (Sóc Trăng) phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra huyện trong việc giải quyết tin báo về tội phạm. Ảnh: C.H

VKSND huyện Châu Thành (Sóc Trăng) phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra huyện trong việc giải quyết tin báo về tội phạm. Ảnh: C.H

Việc tiếp nhận và giải quyết tin báo hình sự là khâu đầu tiên, quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Chính vì vậy, lãnh đạo VKSND huyện đã tăng cường sự quản lý, lãnh đạo trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tin báo hình sự. Trước hết, tăng cường quán triệt để cán bộ, kiểm sát viên nắm vững, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tránh tình trạng giao phó cho cơ quan điều tra, không có định hướng xác minh, điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ dẫn đến không khắc phục được trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo. Lãnh đạo đơn vị chú trọng quan tâm phân công kiểm sát viên có trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích và đề xuất đối với những trường hợp phức tạp. Khi cần thiết, lãnh đạo VKSND còn trực tiếp kiểm tra hồ sơ để đánh giá kỹ năng, năng lực của kiểm sát viên. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động tham gia tố tụng của kiểm sát viên để kịp thời phát hiện thiếu sót, vi phạm và có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời.

Đồng chí Lê Nguyễn Trường Sơn cho biết, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với lãnh đạo cơ quan điều tra để nắm chắc số lượng, kết quả giải quyết các nguồn tin về tội phạm, để chỉ đạo kịp thời, đảm bảo việc thụ lý, giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. Định kỳ hàng tuần, viện kiểm sát và cơ quan điều tra sẽ tiến hành họp phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, nhằm bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm mọi tội phạm đều được phát hiện và xử lý kịp thời, chính xác. Những vụ việc phức tạp, khó đánh giá về chứng cứ, vụ việc dư luận xã hội quan tâm phải tổ chức họp liên ngành để trao đổi, thống nhất, trong trường hợp cần thiết thì thỉnh thị lãnh đạo liên ngành cấp trên để giải quyết.

Thực hiện chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, đơn vị đã yêu cầu từng kiểm sát viên phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố ngay từ khi được phân công kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Nâng cao chất lượng, chủ động đề ra các yêu cầu kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ theo cả hướng buộc tội và gỡ tội một cách khách quan, thận trọng; bảo đảm 100% nguồn tin về tội phạm sau khi tiếp nhận, thụ lý đều được ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh để định hướng quá trình xác minh, điều tra làm rõ bản chất nguồn tin về tội phạm. Tăng cường hơn nữa các hoạt động kiểm sát; trường hợp phát hiện có vi phạm, kiểm sát viên phải mạnh dạn tham mưu kịp thời cho lãnh đạo ban hành kiến nghị hoặc xem xét hủy các quyết định trái pháp luật của cơ quan điều tra. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đã yêu cầu bằng văn bản mà cơ quan điều tra không khắc phục thì viện kiểm sát phải trực tiếp tổ chức xác minh, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố theo đúng quy định...

Để thực hiện tốt khâu đột phá về hình sự năm 2022, lãnh đạo VKSND huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, kiểm sát viên phụ trách được tham gia các lớp bồi dưỡng, lớp tập huấn từ cấp trên nhằm kịp thời bổ sung lượng kiến thức mới đáp ứng được sự thay đổi của tình hình mới. Đặc biệt muốn thực hiện tốt chức năng kiểm sát, còn đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải không ngừng nỗ lực học hỏi, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác nghiên cứu các văn bản hướng dẫn có liên quan và có tâm huyết cao trong thực hiện nhiệm vụ. Đó sẽ là tiền đề quan trọng quyết định đến sự thành công trong thực hiện nhiệm vụ.

C.H

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-chau-thanh/quyet-tam-dot-pha-trong-cong-tac-thuc-hanh-quyen-cong-to-kiem-sat-giai-quyet-an-hinh-su-56109.html