Quyết tâm hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019
Chiều 4/9, thông báo nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, từ những phân tích, đánh giá kết quả chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ quyết tâm hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm nay.
Quyết tâm hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao
“Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định chúng ta tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu đã đề ra. Chỉ bàn tiến, không bàn lùi. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Làm gì cũng phải nghĩ đến đết nước, đến nhân dân” – ông Mai Tiến Dũng trích lời Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 và cho biết thêm, “Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quyết liệt hơn nữa với quyết tầm hoàn thành và hoàn thành vượt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2019 như Quốc hội giao là 6,6 - 6,8%”.
Theo ông Mai Tiến Dũng, trong phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến những nhận định trong những báo cáo mà một số cơ quan trình lên, cho rằng kinh tế thế giới dường như không còn chống đỡ được những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các căng thẳng địa chính trị gây ra. Các nền kinh tế lớn đồng loạt suy yếu, đáng lo ngại. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau… Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều khó khăn như vậy, kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tháng 8 chỉ tăng nhẹ (0,28%) và tính chung cả 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,57%, đây tiếp tục là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Trong 8 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 9,5%, mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ của cả hai năm 2016 và 2017. Đặc biệt, ngành khai khoáng dù còn gặp rất nhiều khó khăn song đã đạt mức tăng trưởng 2,5% - mức tăng khá trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ, thương mại, sức mua trong nước duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán lẻ hàng hóa. Khách du lịch quốc tế 8 tháng ước tăng 8,7% so với cùng kỳ, đạt 11,3 triệu lượt.
Đặc biệt trong điều kiện khó khăn do những tác động bất lợi từ nhiều thị trường nhập khẩu, trong đó có ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, song nhờ chủ động nguồn và đơn hàng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng vẫn tăng 7,3%, ước đạt gần 170 tỷ USD. Điểm đáng mừng là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 13,9%, lần đầu tiên tỷ trọng vượt ngưỡng 30%. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm dưới 70%; Xuất siêu những tháng qua tăng cao trở lại, ước 8 tháng xuất siêu ở mức 3,4 tỷ USD.
Công tác giải ngân vốn FDI cũng đạt khá, khoảng 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường tăng 3,5% về số lượng và tăng 31% về số vốn, gần 90.500 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, trong khi số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 7% và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%.
Lạc quan trước những đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến cầu nội địa và đầu tư sẽ là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2019, trong đó ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn sẽ giữ vai trò dẫn dắt với các ngành chủ lực, như: sản xuất ô tô, thép, lọc hóa dầu, điện… tạo ra lực đẩy cho tăng trưởng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, các chính sách kích cầu và chính sách tác động vào tổng cung, như: đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, quy mô lớn và các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ cũng được Chính phủ nhận định là những động lực mới thúc đẩy tăng trưởng trong 1/3 kế hoạch năm còn lại.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ các bất cập, tồn tại trong chỉ đạo, điều hành, như: giải ngân đầu tư công còn chậm; tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long khiến một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng; nông nghiệp gặp khó khăn; kết cấu hạ tầng giao thông còn là vấn đề…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chúng ta phải quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và quyết liệt hơn; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa và quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2019; tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Thông tư quy định về gắn nhãn “Made in Vietnam”
Tại cuộc họp báo, thông tin đến các cơ quan báo chí về quy định về hàng hóa được gắn nhãn “Made in Vietnam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang khẩn trưởng hoàn thiện Thông tư để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 14/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/NĐ-CP về việc ghi nhãn hàng hóa, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, nhận thấy Nghị đình này vẫn còn thiếu những quy định, nhất là quy định về gắn nhãn “Made in Vietnam” đối với hàng hóa, do đó, ngày 29/6/2018, Bộ Công Thương đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm hàng hóa được coi là sản phẩm của Việt Nam hay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Được sự chấp thuận của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan đã hoàn thành dự thảo Thông tư và đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng liện quan. Tuy nhiên, do đối tượng tác động của Thông tư rất rộng và nội dung cũng khá phức tạp nên Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lấy ý kiến, xem xét, chỉnh lý dự thảo Thông tư này để ban hành và đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đồng thời quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam.
Liên quan đến vụ việc tại Công ty Asanzo, Thứ trưởng Hải thông báo, hiện Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) và các cơ quan chức năng thực hiện các bước điều tra, xác minh để đưa ra phán quyết cuối cùng.