Quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2022 (*)
Chiều 15/7, tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu, làm rõ hơn những nội dung đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm; đồng thời nêu ra giải pháp, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2022. Báo Lào Cai lược ghi bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
Từ tháng 12/2021 đến nay, theo đề nghị của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã tổ chức 4 kỳ họp, trong đó có 2 kỳ họp giải quyết công việc phát sinh. Khối lượng công việc UBND tỉnh đề xuất thông qua 4 kỳ họp là rất lớn, thể hiện sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự đồng lòng hỗ trợ của HĐND tỉnh, các Ban và các đại biểu HĐND tỉnh.
Kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc
Trong bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tại kỳ họp đã chỉ ra 5 thuận lợi, 5 khó khăn, thách thức; 5 kết quả nổi bật và 5 tồn tại, hạn chế. Năm 2022, có những thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế đan xen, với tinh thần chủ động dự báo, quyết tâm đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết liệt, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, thích ứng linh hoạt và phát triển toàn diện”, các chỉ tiêu đều có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ. Có được kết quả trên, trước hết là do Lào Cai tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương, Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ, đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ của HĐND tỉnh, các ban, đại biểu HĐND tỉnh, nhất là sự ủng hộ to lớn của nhân dân trong tỉnh và nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía UBND tỉnh nhận thấy trong quá trình chỉ đạo điều hành vẫn còn những tồn tại, bất cập, thay mặt UBND tỉnh, tôi nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đại biểu HĐND và cử tri trong tỉnh để tiếp tục phát huy kết quả, khắc phục hạn chế, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.
Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm
Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh đặt quyết tâm cao hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu đề ra. Quyết tâm đó được thể hiện rõ qua việc không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu, thậm chí đã đề xuất để HĐND tỉnh thông qua tăng chỉ tiêu thu ngân sách từ 9.500 tỷ lên 10.000 tỷ.
Để hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 19 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 36 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu:
Dịch Covid-19 lắng xuống, quý 2 tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đã vượt lên đạt 9,14%, gần gấp đôi so với 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, hiện nay sự xuất hiện biến chủng mới BA.5 với khả năng lây lan cao hơn gấp khoảng 12% so với biến chủng BA.2, buộc chúng ta không thể lơ là, chủ quan. Do đó, xác định việc tiếp tục tiêm phòng vắc – xin vẫn là giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để phát triển kinh tế, xã hội.
Đến nay, Lào Cai đang đứng trong top 15 cả nước về kết quả tiêm vắc – xin phòng dịch Covid-19. Đối với công dân từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh đã triển khai tiêm mũi 3 từ ngày 27/6 và đạt 24%, trong khi toàn quốc đang là 7%; công dân từ 5 đến 11 tuổi đã triển khai tiêm mũi 2 đạt 50%, cả nước là 18%. Chính phủ yêu cầu trong tháng 8 phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho công dân trên 18 tuổi; mũi 2 cho công dân từ 12 đến 17 tuổi và từ 5 đến 11 tuổi. Lào Cai cũng đã tiếp nhận 98.000 liều vắc–xin, trong đó có 61.000 liều vắc-xin cho trẻ em. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành y tế và cấp ủy, chính quyền các địa phương là phải tập trung đảm bảo hoàn thành tiêm vắc–xin phòng, chống dịch Covid-19 theo mốc thời gian yêu cầu của Chính phủ. Đây cũng là yêu cầu tiên quyết để đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, khai thác hiệu quả lợi thế du lịch, xuất nhập khẩu của tỉnh.
Trên tinh thần cầu thị, UBND tỉnh luôn lắng nghe ý kiến đóng góp để công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng hiệu quả hơn. UBND tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ điểm nghẽn bằng việc khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, dự án lớn; tập trung thu hút đầu tư tạo ra tăng trưởng. Với các quy hoạch, không chỉ là hành lang pháp lý mà nó tạo ra không gian phát triển, đồng thời công tác quy hoạch và thu hút đầu tư sẽ góp phần giải quyết nhiều mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Ví dụ như chênh lệch giàu nghèo, phát triển giữa đô thị và nông thôn, giữa kinh tế và xã hội…
Có một số quy hoạch tập trung hoàn thiện trong quý 3 và đầu quý 4 như: Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị Sa Pa đã được Bộ Xây dựng và Hội đồng thẩm định thông qua; quy hoạch điều chỉnh khu kinh tế cửa khẩu, quy hoạch mạng lưới điện sau trạm 110 kv tạo điều kiện cho 41 thủy điện hiện nay đã có quy hoạch của Bộ Công thương, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ một số dự án lớn, đặc biệt trong đó có dự án sân bay Sa Pa tháng 7 này sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và triển khai các công việc liên quan khác. Các dự án khác có tính kết nối như cầu Bản Vược, với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng cùng hàng loạt các dự án khác sẽ tạo động lực cho tăng trưởng trên địa bàn.
Đẩy mạnh tính sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám đột phá và chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức viên chức toàn tỉnh. Tỉnh sẽ bám sát thực tiễn để xây dựng cơ chế điều hành, nếu chưa có tiền lệ, chưa có trong quy định của pháp luật sẽ tiến hành thí điểm để tạo ra sự đột phá.
Tỉnh cũng sẽ tập trung khắc phục những tồn tại của 4 trụ cột kinh tế địa phương. Về du lịch, xác định Sa Pa là khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, tuy nhiên quá trình phát triển phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đô thị - nông thôn, những lợi ích về du lịch giữa các doanh nghiệp, lợi ích của nhà nước và lợi ích của chính người dân tại Sa Pa; hạ tầng kỹ thuật chưa theo được hạ tầng xã hội. Do đó, cần phải thực hiện nghiêm các nội dung tại Nghị quyết về phát triển du lịch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhanh chóng đưa vào cuộc sống, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch ở các địa phương trong tỉnh.
Lĩnh vực xuất – nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, kim ngạch phụ thuộc vào chính sách phòng chống Covid của nước bạn. Tỉnh cũng đã cố gắng phối hợp với phía bạn, có những giải pháp thúc đẩy thông thương. Vấn đề của xuất – nhập khẩu nằm ở hạ tầng khu kinh tế, công tác phối hợp, quy trình, quy chế của các cơ quan, lực lượng liên quan… Để quản lý hiệu quả khu kinh tế, cần quan tâm triển khai mạnh mẽ công tác cải cách hành chính gắn với cửa khẩu số. Có như vậy mới có thể hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, giá trị kim ngạch xuất – nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 10 tỷ đô la.
Công nghiệp nổi lên khó khăn là thiếu nguồn nguyên liệu Apatít, đề nghị ngành tài nguyên môi trường, công thương quan tâm quy hoạch về khoáng sản gắn với sản xuất, giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng liên quan đến các mỏ Apatít hiện nay, nhất là trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng.
Lĩnh vực nông nghiệp, Lào Cai đã có Nghị quyết 10 về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cần tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, để có thể xuất khẩu sang các thị trường khác nhau với giá trị cao; quan tâm phát triển, hình thành các hợp tác xã thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về công tác giảm nghèo và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Lào Cai đã có sự chủ động, tích cực trong chuẩn bị các bước để triển khai một cách sớm nhất. Theo chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh phải giảm nghèo khoảng 6%/năm đối với khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số, đến năm 2025 phải đưa 33 xã và 65 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; phải hoàn thành 94 xã nông thôn mới, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có 1 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao.
Chương trình giảm nghèo gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầu tư cụ thể trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin…
UBND tỉnh cũng rất quan tâm giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri; cùng với phát triển kinh tế là chăm lo giải quyết các vấn đề về xã hội để phát triển toàn diện, bền vững.
(*) Đầu đề do Báo Lào Cai đặt