Quyết tâm làm sạch ma túy ở 'chảo lửa' xứ Nghệ
Tương Dương (Nghệ An) được biết đến là 'chảo lửa' của xứ Nghệ. Nơi đây không chỉ nóng về thời tiết mà tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy cũng từng là điểm 'nóng' của Nghệ An.
Sau một năm tập trung quyết liệt triển khai Đề án 318 “xã biên giới sạch về ma túy”, đến nay, không chỉ 4/4 xã biên giới mà còn thêm nhiều xã nội địa ở huyện miền núi 30a này cũng cơ bản sạch về ma túy.
Tuyên truyền đi trước một bước
Với đặc thù của huyện miền núi, biên giới, có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình phức tạp, hiểm trở. Toàn huyện có bốn xã biên giới, với nhiều đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới. Huyện 30a này cũng là nơi sinh sống của phần đa đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó trình độ nhận thức của không ít người dân còn nhiều hạn chế… Chính vì vậy, các đối tượng manh động đã chọn nơi đây là địa bàn để vận chuyển, buôn bán ma túy.
Thực hiện Đề án 318, ngày 7/4/2022 của Công an Nghệ An về việc xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”, Tương Dương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt tại bốn xã biên giới, gồm Tam Quang, Tam Hợp, Mai Sơn, Nhôn Mai và xã nội địa Tam Đình. Ngày 25/4/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ-HU về triển khai xây dựng “Xã, thị trấn sạch về ma túy” trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy cùng các hướng dẫn liên quan. Các địa phương trên đã triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động tổng lực công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn.
Sau khi triển khai thành công tại các xã biên giới, ngày 5/12/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương đã ban hành Chỉ thị số 08 CT/HU về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 05 nói trên để tiếp tục triển khai nhân rộng ở các xã còn lại trên địa bàn toàn huyện, phấn đấu trở thành huyện sạch ma túy.
Xã Xá Lượng cách trung tâm thị trấn Thạch Giám khoảng 5km về phía Tây - nơi đây từng được xem là điểm trung chuyển ma túy. Nhiều đối tượng nghiện ma túy thường xuyên lén lút đi ra khỏi địa bàn để mua ma túy về sử dụng.
Thượng úy Vi Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Xá Lượng cho biết, sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 05, Chỉ thị 08 về việc triển khai xây dựng "Xã, thị trấn sạch về ma túy", Đảng ủy, chính quyền cùng cả hệ thống chính trị của địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt, công tác tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trên hệ thống truyền thanh của xã, bản được tiến hành 2 lần/ngày để người dân nhận thức rõ hiểm họa ma túy, cùng công tác phòng, chống tệ nạn ma túy.
Bên cạnh việc tổ chức treo panô, khẩu hiệu ở nhà văn hóa cộng đồng, vùng trung tâm, địa phương đã tổ chức các buổi tuyên truyền, thông qua hội họp, sân khấu hóa...
Tại xã Lưu Kiền, ngoài việc tổ chức họp dân, ký cam kết, địa phương này còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức thi tìm hiểu, hái hoa dân chủ về công tác phòng, chống ma túy.
Các trường học đóng chân tại đây cũng triển khai quyết liệt công tác này nhằm giúp cho thanh, thiếu niên nhận thức được tác hại của hiểm họa ma túy để phòng tránh cũng như tác động “ngược” đến với người lớn, phụ huynh. Trong đó, trường mầm non, trường Trung học cơ sở Lưu Kiền tổ chức các cuộc thi, diễn kịch về phòng chống ma túy; đưa clip các cuộc thi, vở kịch này lên mạng xã hội, được người dân đánh giá cao.
Thượng tá Phạm Ngọc Cảnh, Trưởng công an huyện Tương Dương chia sẻ: Xác định công tác tuyên truyền là một trong nhiệm vụ trọng tâm, nên ngay sau khi triển khai Đề án 318, Nghị quyết số 05, Chỉ thị số 08, Công an Tương Dương đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tổ chức 596 buổi tuyên truyền với hơn 12.600 lượt học sinh, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tham gia tại 146 bản, 58 trường học; lồng ghép sân khấu hóa vào các buổi tuyên truyền; tổ chức 125 buổi diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” với gần 10 nghìn lượt người tham gia, nhận hơn 300 ý kiến phản ánh từ người dân…
Đoàn thanh niên thành lập tổ tuyên truyền thường trực tại tất cả các xã, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy.
Huyện cũng đã tổ chức hàng chục buổi gặp mặt già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền về chủ trương, biện pháp thực hiện có hiệu quả đề án, nghị quyết về xã sạch ma túy...
Đồng bộ các giải pháp
Cùng với tuyên truyền, các địa phương ở huyện 30a này đều tổ chức ra mắt mô hình xã, bản sạch ma túy.
Ban chỉ đạo các cấp đã đến từng hộ dân tổ chức ký cam kết và đến từng nhà đối tượng hoặc nghi vấn để tiến hành test thử ma túy.
Toàn bộ con nghiện trên địa bàn đã được các ngành chức năng, địa phương cùng gia đình quản lý chặt chẽ; các đối tượng được lập hồ sơ quản lý và tổ chức cai nghiện tập trung hay cai nghiện tại nhà.
Công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn toàn huyện được toàn xã hội đồng tình, hưởng ứng, nhất là đội ngũ già làng và quần chúng nhân dân.
Thông qua đường dây nóng, người dân đã cung cấp cho công an hơn 360 ý kiến và đơn thư tố giác tội phạm liên quan đến ma túy, qua đó đã giúp cho công tác trấn áp tội phạm ma túy được thuận lợi hơn.
Lực lượng chức năng đã phát hiện đấu tranh 143 vụ, bắt giữ 159 đối tượng phạm tội về ma túy; Công an Tương Dương đã xác lập, đấu tranh thành công gần 20 chuyên án, xóa nhiều tụ điểm, điểm bán lẻ ma túy, qua đó đã cắt đứt nguồn cung ma túy đối với địa bàn. Đến nay, nhiều xã ở Tương Dương đã cơ bản đảm bảo tiêu chí, xã sạch về ma túy.
Lãnh đạo huyện Tương Dương còn cho biết, cùng với các giải pháp tuyên truyền, đấu tranh với ma túy, huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống cho người dân; trong đó có chương trình hỗ trợ làm 600 căn nhà ở cho người nghèo, người khó khăn do Bộ Công an và Công an Nghệ An triển khai, gắn với đề án, nghị quyết “xã, thị trấn sạch ma túy”.
Sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay, toàn bộ số nhà do ngành công an hỗ trợ đã hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần đẩy lùi ma túy, giữ yên biên giới.
Hiệu quả từ chủ trương đúng, chính sách hợp lòng dân của địa phương đã giúp người nghiện ma túy có động lực, điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Ông Lương Văn An (53 tuổi) ở bản Pủng (Lưu Kiền) là một thí dụ. Hơn 20 năm sa lầy vào ma túy khiến gia đình khánh kiệt. Sau lần thứ hai cai nghiện trở về, đã được địa phương quan tâm, nhất là lực lượng công an xã gần gũi, động viên, ông An đã vào rừng (đoạn khe Coọc) để đào ao, nuôi cá, trồng lúa, phát triển chăn nuôi cùng với quyết tâm, đoạn tuyệt với ma túy.
Trải qua những lần đấu tranh dữ dội với bản thân, cùng với sự chia sẻ của gia đình, người thân, đến nay ông An đã đoạt tuyệt hẳn với ma túy. Được địa phương giúp cây, con giống, nên giờ đây, trang trại của ông An đã cho thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Ông Lương Văn An, tâm sự: “Trước đây khi còn nghiện, gia đình không khi nào vui vẻ, vợ con buồn phiền. Để có tiền mua thuốc hút, tôi đã bán hết tài sản, kể cả ngôi nhà trú ngụ của cả gia đình. Nay, khi đã bỏ được ma túy, tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt hơn, kinh tế gia đình cũng ổn định. Mừng hơn, mới đây, gia đình được Bộ Công an hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà ở. Nay gia đình tôi đã thực sự an cư ngay trên quê hương mình".
Sau hơn một năm triển khai bài bản, đồng bộ, quyết liệt Đề án 318 của Công an Nghệ An cùng Nghị quyết số 05 và Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy, đến nay 10 xã ở huyện 30a này, trong đó có bốn xã biên giới đã cơ bản sạch về ma túy, gồm: Tam Quang, Tam Hợp, Mai Sơn, Nhôn Mai, Tam Đình, Lưu Kiền, Xá Lượng, Yên Thắng, Yên Na, Yên Tĩnh; bảy xã, thị trấn còn lại đang trong quá trình làm sạch ma túy và hướng đến huyện sạch ma túy. Thượng tá Phạm Ngọc Cảnh cho biết thêm.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-tam-lam-sach-ma-tuy-o-chao-lua-xu-nghe-post756615.html