Quyết tâm, nỗ lực góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 nhấn mạnh quan điểm Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ cấp bách là xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, trong đó vai trò của ngành Hàng hải đặc biệt quan trọng.
Ý thức sâu sắc vai trò, trọng trách của mình, năm 2019 này, ngành Hàng hải quyết tâm, nỗ lực xây dựng và phát triển tiến tới mục tiêu góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, trong đó chú trọng tới việc: Phát triển hệ thống cảng biển, đội tàu biển, dịch vụ hàng hải và logistics; xây dựng và triển khai các quy hoạch, chiến lược, đề án hàng hải; Phát triển nguồn nhân lực hàng hải.
Phát triển hệ thống cảng biển, đội tàu biển, dịch vụ hàng hải và logistics
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều xác định, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Trong đó, một trong những nhiệm vụ đặt ra là phát triển hệ thống cảng biển, đội tàu biển, dịch vụ hàng hải và logistics cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực và thế giới.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang báo cáo tình hình hoạt động của ngành Hàng hải trong năm 2018.
Năm 2018 vừa qua, hệ thống các cảng biển được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, nhiều cảng biển có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, phù hợp với xu hướng của thế giới, nhờ đó hàng hóa xuất nhập khẩu có thể đi thẳng tới các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, giảm được chi phí vận tải đồng thời góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển. Hiện tại có 07 trung tâm logistics và 19 ICD đã đi vào hoạt động, phần lớn các trung tâm và ICD này đều nằm gần cảng biển hoặc trục giao thông huyết mạch, hỗ trợ khá hiệu quả cho việc đưa rút hàng xuất nhập khẩu qua các cảng biển đầu mối.
Trong năm 2018, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã đạt thành công mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng khoảng 12 -14%, chỉ số hoạt động logistics (LPI) được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/7/2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên vị trí thứ 3 trong các nước Asean (sau Singapore và Thái Lan). Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam đạt được kể từ năm 2007 đến nay.
Hiện Việt Nam có 44 cảng biển và 263 bến cảng với tổng chiều dài khoảng 89 km. Trong đó, cảng biển nước sâu, cảng cửa ngõ kết hợp với bến cảng trung chuyển quốc tế có thể tiếp nhận tàu 100.000 - 200.000 tấn đã được đầu tư xây dựng tại miền Bắc, miền Nam và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư tại miền Trung. Với năng lực thông qua khoảng 550 - 570 triệu tấn/năm, hằng năm, hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Như vậy, hệ thống cảng biển và logistics sẽ phải đầu tư phát triển bài bản để đáp ứng được kỳ vọng mà các chiến lược về biển và phát triển kinh tế biển đã đề ra. Dựa trên quy hoạch phát triển ngành hàng hải, thời gian tới, 3 cảng cửa ngõ chính của quốc gia sẽ được hình thành, gồm: Cảng quốc tế Hải Phòng gắn liền với trục phát triển Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc); Cảng quốc tế Đà Nẵng gắn với trục phát triển Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị - Savanakhet (Lào); Cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu gắn với trục Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - TP.HCM - Bình Dương - Tây Ninh - Phnom Penh (Campuchia).
Theo ông Nguyễn Xuân Sang- Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), định hướng của ngành Hàng hải là tiếp tục triển khai quyết liệt chiến lược biển theo từng khu vực. Với miền Nam, các hạ tầng hỗ trợ khai thác cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM bao gồm trung tâm logistics Cái Mép hạ, các cảng cạn tại Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh sẽ được chú trọng đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối với cảng biển Vũng Tàu, trong đó có đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường liên cảng, cầu Phước An và tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu container trọng tải 18.000 TEU.
Tiếp tục xây dựng và triển khai các quy hoạch, chiến lược, đề án hàng hải
Để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải, một thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, việc xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển cho ngành trong từng thời kỳ đóng vai trò hết sức quan trọng. Năm 2018, Cục HHVN đã triển khai thực hiện xây dựng các đề án quy hoạch, đề án theo đúng kế hoạch. Cụ thể như: Cục HHVN đã nghiên cứu và dự thảo kế hoạch triển khai cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Cục HHVN đã báo cáo Bộ GTVT về dự thảo MOU giữa Bộ GTVT và Bộ Đại dương và nghề cá Hàn Quốc liên quan đến hợp tác lập quy hoạch cảng biển đến năm 2030; Cục HHVN đã trình Bộ GTVT Đề án xây dựng hệ thống quản lý hàng hải tàu biển (VTS) tại vùng nước, cảng biển thuộc khu vực quản lý của các Cảng vụ Hàng hải trên phạm vi cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...
Đẩy mạnh và phát triển doanh nghiệp logistics ở Việt Nam.
Năm 2019, Cục HHVN tiếp tục triển khai xây dựng các Đề án, quy hoạch cụ thể như sau: Triển khai lập Đề án quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Đề án Quy hoạch Cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề, Quy hoạch chi tiết bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hoàn thành Đề án nâng cao hiệu quản quản lý, khai thác cảng biển Hải Phòng bao gồm các khu bến của cảng biển Hải Phòng hiện hữu và khu bến cảng Lạch Huyện, trình Bộ GTVT; Hoàn thành Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải trình Bộ GTVT....
Phát triển nguồn nhân lực hàng hải
Để việc phát triển kinh tế biển được bền vững, việc đào tạo nguồn nhân lực luôn được xem là nền tảng quan trọng. Chính vì lẽ đó, thời gian qua, Cục HHVN luôn chú trọng việc xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút nguồn nhân lực vào ngành hàng hải, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thuyền viên để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế biển của đất nước.
Năm 2018, Cục HHVN đã triển khai thực hiện việc đánh giá sự tuân thủ của công tác đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ của Việt Nam đối với Công ước STCW; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Cục, tổ chức thi và cấp Giấy chứng nhận cho các thuyền viên tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sỹ quan hàng hải mức trách nhiệm quản lý, sỹ quan hàng hải mức trách nhiệm vận hành và các lớp thuyền trưởng, máy trưởng tại các trường....
Hệ thống cảng tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng.
Trong năm 2019, Cục HHVN triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, kiện toàn các tổ chức giúp việc Cục trưởng, các đơn vị trực thuộc Cục sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động theo chỉ tiêu biên chế được giao hiệu quả; Rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo theo phân cấp; Hướng dẫn các đơn vị rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy định; Xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động đối với các chức danh đã đến hạn điều động, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác đối với các vị trí việc làm thuộc diện phải chuyển đổi theo quy định; Tiếp tục hoàn thiện quy chế đánh giá, phân loại, công chức, viên chức, người lao động hằng năm.
Tiếp tục nghiên cứu đề xuất chế độ tiền lương đối với thuyền viên làm việc tại các Cảng vụ hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam; chế độ tiền lương đối với viên chức quản lý vận hành hệ thống điều phối lưu thông hàng hải; Thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, nâng lương vượt khung, các chế độ phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp đặc thù, nâng ngạch, chuyển ngạch cho công chức, viên chức, người lao động theo quy định hiện hành...
Triển khai thực hiện các giải pháp về nội dung “Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển” theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển và việc chuyển đổi nghề của người dân; phối hợp với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên làm việc trên tàu tại vùng cực...