Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Công an tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ưu tiên nguồn lực để thực hiện đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra.Theo đó, Công an tỉnh tập trung rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là xây dựng, ban hành các văn bản quy định, quy trình để từng bước thực hiện chuyển đổi phương pháp làm việc từ môi trường thủ công sang môi trường số. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin không ngừng được xây dựng, nâng cấp đồng bộ, hiện đại, kết nối thông suốt từ Công an tỉnh đến Bộ Công an và đến tất cả Công an các đơn vị, địa phương, Công an cơ sở, đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả công tác, hoạt động quản lý, điều hành, chỉ huy tác chiến, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện chuyển đổi số.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin và công tác chuyển đổi số trong Công an nhân dân góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp và các mặt công tác Công an, các đơn vị, Công an địa phương đã bám sát thực hiện quyết liệt nhiệm vụ được giao, nhất là một số nhiệm vụ trọng tâm, như đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, tài liệu và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tổ thu nhận hồ sơ và hướng dẫn công dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID tại xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. Ảnh: Thanh Việt

Tổ thu nhận hồ sơ và hướng dẫn công dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID tại xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. Ảnh: Thanh Việt

Cuối tháng 6-2023, Công an tỉnh Tiền Giang cơ bản hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân (CCCD), đã thu nhận trên 1,9 triệu hồ sơ cấp CCCD. Trong đó, cấp mới trên 1,7 triệu công dân trong độ tuổi cấp CCCD, đạt tỷ lệ 100%. Triển khai thực hiện tất cả 11 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong lực lượng Công an. Đó là kết quả của những tháng ngày không ngơi nghỉ, quyết liệt thực hiện chiến dịch cấp CCCD và các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư luôn đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, tạo nền tảng vững chắc để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Phát huy kết quả đạt được, bước sang giai đoạn mới, lực lượng Công an các cấp tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan thường trực, nòng cốt trong thực hiện cao điểm “60 ngày, đêm tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID”. Các lực lượng tham gia cao điểm từ tỉnh đến cơ sở, nhất là lực lượng Công an đã tích cực làm việc cả ngày, đêm. Tính đến ngày 8-10, qua 50 ngày thực hiện cao điểm đã kích hoạt đạt trên 104% so với chỉ tiêu; đã có 8/11 huyện, thành phố, thị xã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra ; 129 xã, phường, thị trấn hoàn thành vượt chỉ tiêu đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID với tỷ lệ trên 100%.

Từng nơi có những biện pháp, cách làm phù hợp với đặc điểm của địa phương, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, người dân tích cực tham gia cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID. Quá trình thực hiện tại các nơi, luôn có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể địa phương.

Công an xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Thanh Việt.

Công an xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Thanh Việt.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, công dân số, việc triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an được thực hiện nghiêm túc. Từ đó, cung cấp nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Ông Lê Vĩnh Triều, quản lý của một khách sạn trên bàn bàn ấp Phú Hữu, xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước cho biết: “So với trước đây, hiện nay khi có dịch vụ công trực tuyến là rất tiện lợi. Nếu như trước đây, khi có khách đến lưu trú, thì phải đem sổ đến Công an xã để đăng ký tạm trú, lưu trú, còn giờ chỉ cần đăng ký qua dịch vụ công nên rất tiện lợi, ngay cả ban đêm không phải đi đâu, chỉ ngồi tại chỗ đăng ký tạm trú cho khách ”.

Đến nay, Công an tỉnh đã triển khai cung cấp 117 dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó có 82/117 dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến (35/117 dịch vụ công trực tuyến không phát sinh hồ sơ trực tuyến và trực tiếp). Theo lộ trình tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, đến tháng 9-2023, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của Công an tỉnh đạt 82%. Trong đó, lĩnh vực con dấu, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, đạt tỷ lệ 100%.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Tiền Giang không ngừng phấn đấu, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang bằng những hành động thiết thực, cụ thể, quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, hành động vì một xã hội số, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

NGỌC DIỄM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202310/cong-an-tinh-tien-giang-quyet-tam-thuc-hien-hieu-qua-chuyen-doi-so-993159/