Quyết tâm thực hiện thắng lợi năm học 2024 - 2025
Năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục xác định chủ đề: 'Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương'; đồng thời đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học này. Theo đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) An Giang quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.
Theo Sở GD&ĐT, để bước vào năm học 2024- 2025, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai các dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Quyết định 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng. Đầu tư xây dựng, cải tạo phòng học và phòng học bộ môn Tin học cho cấp tiểu học, với tổng kinh phí khoảng 332 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tại 28 xã nông thôn mới thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 khoảng 526 tỷ đồng. Thực hiện dự án mua sắm thiết bị phòng bộ môn ngoại ngữ cho 96 điểm trường tiểu học và trung học trên địa bàn tỉnh, với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 (từ năm 2021 - 2025) cho 3 trường dân tộc nội trú, với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị chủ động triển khai cải tạo sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh, tường rào, chống dột phòng học… từ các nguồn kinh phí xã hội hóa và của đơn vị. Kinh phí mua sắm trang thiết bị của các đơn vị trực thuộc phòng GD&ĐT 7,3 tỷ đồng, mua sắm sách 3 tỷ đồng. Tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị của đơn vị trực thuộc sở gần 300 triệu đồng, mua sắm sách trên 660 triệu đồng.
Theo Sở GD&ĐT, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô các ngành học, cấp học. Tình trạng thừa - thiếu cục bộ giữa các môn, các địa phương vẫn còn nhưng không nhiều, do ngành đã điều động giáo viên giữa các đơn vị theo chủ trương đã được UBND tỉnh chấp thuận. Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học kết hợp với giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phù hợp định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện tốt chủ trương đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong quản lý và tổ chức hoạt động dạy học, đa dạng hóa hình thức học tập; trong dạy học tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Chú trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh, ứng dụng triển khai dạy học theo phương pháp STEM, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục toàn diện.
Các trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong năm học mới theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT; chấp hành nghiêm quy định về việc bố trí học sinh các lớp, hoạt động các phòng chức năng; các tổ chức, đoàn thể trong trường được củng cố chặt chẽ và tiến hành giảng dạy đúng kế hoạch thời gian năm học. Dạy học sinh theo hướng chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trách nhiệm của công dân đối với xã hội; nâng cao năng lực ứng xử có văn hóa; thường xuyên quản lý, giám sát, đánh giá về giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh.
Đối với hoạt động khuyến học - khuyến tài, nhiều đơn vị vận động kinh phí xã hội hóa, vận động các nguồn học bổng kịp thời trợ cấp cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Theo thống kê, gần 15.000 học sinh được nhận quà khuyến học trên 4,6 tỷ đồng; trên 20.300 học sinh được nhận quà “Tiếp bước đến trường”, với kinh phí trên 5,7 tỷ đồng.
Theo Sở GD&ĐT, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tiếp tục quan tâm sâu sát đối với sự nghiệp GD&ĐT, thể hiện bằng hành động thiết thực, như: Hỗ trợ kinh phí sửa chữa, chỉnh trang trường lớp, xã hội hóa để mua sắm sách giáo khoa, trang bị thêm đồ dùng phục vụ dạy học, mua bảo hiểm y tế... hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời động viên các em khắc phục khó khăn tiếp tục đến trường…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký ban hành chỉ thị về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành GD&ĐT An Giang. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GD&ĐT. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cũng như chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo…