Quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, thực chất
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 không chỉ nhằm xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh, mà còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác, trong đó có việc sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do đó, ngành Giáo dục và các địa phương phải thống nhất nhận thức, quyết tâm tổ chức kỳ thi bảo đảm mục tiêu an toàn, thực chất. Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 diễn ra ngày 5-6.
Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái
Giám sát chặt, ngăn rủi ro
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh cho biết một số điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 so với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 9 và 10-8-2020, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức kỳ thi tại địa phương ở tất cả các khâu. Cán bộ, giảng viên đại học không tham gia coi thi, chấm thi, chỉ tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đối chiếu kết quả kỳ thi và kết quả học tập của thí sinh để thêm kênh đánh giá tính nghiêm túc của kỳ thi do địa phương tổ chức.
Trước băn khoăn của dư luận về độ tin cậy của kết quả thi, khi kỳ thi được giao toàn quyền cho địa phương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Bộ vẫn có trách nhiệm rất lớn, trong đó có việc cung cấp đề thi, xây dựng các văn bản hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và đặc biệt là tổ chức thanh tra, giám sát chặt chẽ kỳ thi nhằm ngăn ngừa tối đa các nguy cơ rủi ro. Để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, kết quả thi bảo đảm thực chất, việc thanh tra thi năm nay sẽ có sự tham gia của 3 cấp: Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo. Lực lượng này sẽ phủ kín tại các điểm thi và thực hiện nhiệm vụ theo nguyên tắc độc lập, không trùng lặp, bảo đảm mọi công đoạn của kỳ thi đều được giám sát chặt chẽ, không có khoảng trống.
Ý kiến của các địa phương thể hiện sự đồng thuận với chủ trương tăng cường thanh tra, giám sát, trong đó có sự tham gia của cán bộ, giảng viên đại học. Phương án được thống nhất áp dụng ở tất cả các địa phương, tại mỗi điểm thi là đều có ít nhất 3 cán bộ, giảng viên đại học thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Nhằm hạn chế tối đa các hành vi gian lận trong thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Ảnh: Nhật Nam
Coi trọng lựa chọn nhân sự
Nhằm hạn chế tối đa các hành vi gian lận trong thi cử như từng xảy ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh lưu ý, các địa phương cần lưu ý ngăn ngừa các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra ở từng khâu, trong đó chấm thi là khâu dễ phát sinh tiêu cực. Việc lựa chọn người chấm thi phải coi trọng về đạo đức, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ thanh tra, kiểm tra.
Ngoài quy định đổi chéo cán bộ coi thi để giáo viên không coi thi học sinh trường mình, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các địa phương tập trung giám sát nhiều hơn trong quá trình tổ chức coi thi; lưu ý chọn người đứng đầu điểm thi nắm vững chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao và có năng lực kiểm soát tốt diễn biến kỳ thi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã tham mưu để Chính phủ chuẩn bị ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 trong đó nhấn mạnh thêm trách nhiệm của các lực lượng liên quan để kỳ thi diễn ra an toàn, thực chất, minh bạch. Chỉ còn 2 tháng nữa là tới kỳ thi, lãnh đạo các địa phương khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi và ưu tiên cho công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi về mọi mặt. Nhấn mạnh về công tác lựa chọn nhân sự, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, các đơn vị chọn người tham gia tổ chức kỳ thi có tinh thần trách nhiệm và phẩm chất đạo đức tốt; tổ chức tập huấn kỹ lưỡng để từng thành viên đều hiểu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, tránh hiểu không đúng, hiểu chưa đầy đủ, dẫn đến lúng túng hoặc xử lý sai, ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ thi, nhất là ở một số khâu như sao in, vận chuyển đề thi, bảo quản bài thi, chấm thi...