Quyết tâm triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020

Chiều 11-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Đức Nghĩa

Đại biểu Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Đức Nghĩa

Qua thảo luận, đa số các đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần, gồm: đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn tuyến Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ băn khoăn khi tỷ trọng đầu tư theo hình thức đối tác công tư chỉ còn 40% tổng chiều dài dự án thay vì 81% như mục tiêu ban đầu. Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư từ xã hội chỉ khoảng 22%, còn 78% sẽ đầu tư bằng ngân sách. Đồng thời, 5 dự án còn lại tiếp tục triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhưng với thực tế hiện nay và khả năng cho vay của Ngân hàng như Chính phủ báo cáo thì không có gì đảm bảo sẽ lựa chọn được nhà đầu tư.

“Đây là vấn đề cần quan tâm để chấn chỉnh khâu dự báo chuẩn bị đầu tư các dự án đối tác công tư và phải xem xét lại vì sao không thực hiện được kêu gọi đầu tư, không phải dự án cao tốc Bắc Nam từ 2016 đến nay không có dự án BOT giao thông nào triển khai được. Nếu cách đây gần 3 năm đầu tư toàn bộ dự án bằng ngân sách thì cũng chỉ cần thêm 22.000 tỷ và đến giờ cơ bản gần xong dự án” - đại biểu Hoàng Quang Hàm cho hay.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh. Ảnh: Đức Nghĩa

Đại biểu Đỗ Văn Sinh. Ảnh: Đức Nghĩa

Đồng quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, việc triển khai dự án đã quá chậm so với Quốc hội đặt ra, cần gác lại những tồn tại trong quá khứ cùng quyết tâm chính trị để triển khai dự án này. Tuy nhiên, việc chuyển 2 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sang đầu tư công không thuyết phục và sẽ nảy sinh những mâu thuẫn và đi ngược với chủ trương, các tiêu chí căn cứ để Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam. Vì hai dự án này có lưu lượng vận tải và giá trị thương mại cao nhất, cần phải ưu tiên đầu tư PPP.

“Tôi đề nghị kết hợp hai phương án do Chính phủ đề xuất là Quốc lộ 45 Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Hai dự án này có lưu lượng vận tải thấp, giá trị thương mại thấp và mỗi dự án chỉ có 2 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Tổng số vốn ngân sách chỉ cần bổ sung thêm 12.707 tỷ. Tức là giảm 10. 757 tỷ đồng so với phương án của Chính phủ trình. Đồng nghĩa với việc sẽ huy động được thêm 10.765 tỷ đồng vốn tư nhân để đầu tư cho dự án. Ngay sau khi nghị quyết của Quốc hội thì có đủ điều kiện để triển khai ngay được sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công dải ngân vốn đầu tư công góp phần tăng trưởng kinh tế ngay trong năm 2020” - đại biểu Đỗ Văn Sinh đề nghị.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, cần đánh giá tác động đến nợ công, khả năng cấp vốn tín dụng của các ngân hàng cho dự án gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó cần làm rõ phương án thu hồi vốn của các dự án chuyển đổi sang đầu tư công…

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận việc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông chậm, do phải thực hiện theo Luật đầu tư và theo các quy định của pháp luật, đặc biệt đây là dự án trọng điểm quốc gia nên phải thanh tra, kiểm toán và thậm chí là cả điều tra.

“Đến nay đã có 7 dự án có từ 2 đến 5 nhà đầu tư đã sơ tuyển, một dự án không có nhà đầu tư. hiện nay, Bộ đã thực hiện điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế, hoàn thành kiểm toán... chỉ còn chờ Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ để chuyển sang phương thức đầu tư công. Nếu chuyển sang đầu tư công thì các gói thầu sẽ triển khai được trong năm nay, cụ thể tháng 10-2020 có thể khởi công các dự án. Còn nếu giữ phương thức đầu tư PPP phải chờ hết năm nay, nếu không có nhà đầu tư tham gia thì sẽ phải tiếp tục báo cáo, như vậy chắc chắn chậm hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình.

Sáng 11-6, Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Nghị quyết không áp dụn đối với doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyet-tam-trien-khai-du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam-phia-dong-giai-doan-2017-2020-post429748.html