Quyết tâm triển khai nhanh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Quốc hội vừa bấm nút thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ngay sau quyết định mang tính lịch sử này, Bộ GTVT, các bộ ngành, địa phương và nhà thầu đều đã thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tạo động lực và sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Triển khai ngay nhiều phần việc quan trọng

Nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ GTVT ngay trước thời điểm dự án đường sắt tốc độ cao được Quốc hội thông qua, tân Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, đây là dự án có quy mô rất lớn, khối lượng công việc nhiều và phức tạp, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Do đó, việc triển khai dự án sẽ là một hành trình dài với nhiều thách thức. Tuy nhiên, ngành GTVT nói chung và ngành đường sắt nói riêng đã sẵn sàng với khí thế cao nhất, quyết tâm cao nhất - “chỉ bàn làm, không bàn lùi” đưa dự án sớm triển khai.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, nhận diện các khó khăn, thách thức phải đối mặt trong các bước tiếp theo. Để triển khai dự án sớm nhất, Bộ GTVT dự kiến sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị quyết để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai nhiệm vụ, giải pháp, chính sách đặc thù nêu trong nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư, rút ngắn tiến độ. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/s).

Đồng thời, Bộ GTVT sẽ làm việc với các địa phương để cụ thể hóa chi tiết về hướng tuyến, nhà ga và triển khai giải phóng mặt bằng để có thể khởi công vào cuối năm 2027. Một số phần việc quan trọng sẽ được triển khai ngay, như: chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt rà soát, kiện toàn mô hình quản lý đầu tư; hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt; xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ…

Là người tâm huyết và trực tiếp thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan rà soát vấn đề nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế - xã hội để tham mưu Chính phủ kịp thời, đảm bảo đầu tư dự án gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ rà soát cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án, trong đó sẽ tham mưu Chính phủ hướng dẫn cơ chế chính sách đặc thù về nguồn vốn cho dự án, hướng dẫn vay vốn, kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Doanh nghiệp mong sớm làm rõ cơ chế

Được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, trên tinh thần tự lực tự cường, việc dự án đường sắt tốc độ cao được thông qua đã đặt đội ngũ doanh nghiệp trong nước trước cơ hội lớn mà cũng là thách thức lớn chưa từng có, khi dự án tạo ra thị trường xây dựng lên tới 33,5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, cho biết, các doanh nghiệp đều mong muốn tham gia dự án để được đóng góp sức mình vào công trình được coi là biểu tượng, là niềm tự hào của quốc gia. Hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu chuẩn bị đầu tư, đổi mới, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu cao của dự án đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, để đảm bảo năng lực và tiết kiệm thời gian trong tất cả các khâu thực hiện dự án, việc nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù cho các nhà thầu trong nước tham gia là việc cần sớm thực hiện.

Đồng tình quan điểm này, ông Đào Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT, cho rằng, cơ chế để giúp các nhà thầu Việt được “rộng cửa” tham gia dự án là rất quan trọng. Dự án đường sắt tốc độ cao được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, đứng trong tốp 10 thế giới về chiều dài (1.541km); tốc độ 350km/giờ - là tốc độ cao nhất đối với loại hình đường sắt chạy trên ray hiện nay.

Do đó, bên cạnh việc doanh nghiệp phải khẩn trương nâng cao năng lực, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu cơ chế đặc thù, theo hướng nhà thầu trong nước chỉ cần kinh nghiệm thi công công trình tương đương (đường cao tốc, cầu dây văng, cấp công trình đặc biệt...) là có thể tham gia dự án.

Về yêu cầu nhà thầu khi tham gia dự án phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước, theo ông Đào Ngọc Vinh, để cụ thể hơn, Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cần đề xuất cơ chế cộng điểm đối với các liên danh có tỷ lệ nhà thầu Việt Nam tham gia lớn, nhằm nâng vị thế nhà thầu Việt trong hợp đồng xây dựng, tăng cơ hội tham gia dự án.

Một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao là giải phóng mặt bằng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, theo nguyên tắc, chính quyền địa phương phải chủ động trong việc tạo quỹ đất sạch để chuẩn bị cho các dự án hạ tầng quốc gia, không thể để đến khi dự án triển khai lâu mà mặt bằng vẫn chưa thấy đâu.

Từ trước đến nay chưa có lãnh đạo cấp cao, tập thể ở địa phương bị kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ khi không chuẩn bị được đất sạch để phát triển kinh tế - xã hội. Việc phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng, nên cuối cùng trách nhiệm cũng chung chung. Do đó lần này phải khác, phải giao việc cụ thể và rõ trách nhiệm. “Với quyết tâm cao từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hy vọng dự án sẽ đạt và vượt tiến độ đề ra”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

BÍCH QUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quyet-tam-trien-khai-nhanh-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post770978.html