Quyết tâm trồng diện tích nào thành rừng diện tích đó

Nghị quyết của HĐND huyện Đăk Glei, Kon Tum được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, HĐND huyện xác định: 'Trồng cây nào sống cây đó, trồng diện tích nào thành rừng diện tích đó', thể hiện quyết của tâm của chính quyền trong việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mong muốn tạo sinh kế cho người dân tham gia trồng và phát triển rừng.

Cùng góp sức “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”

Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Glei, trong 3 năm (từ năm 2021 - 2023), toàn huyện đã trồng hơn 1.723ha rừng, trong đó có 1.379,54ha rừng trồng tập trung và 343,9ha rừng trồng phân tán. Qua trồng rừng đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc trồng và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, hầu hết người dân ở huyện Đăk Glei đã ý thức đầy đủ và sâu sắc về việc bảo vệ, gìn giữ rừng; theo đó, lối suy nghĩ tự do khai thác rừng cũng như các hành vi xâm hại rừng đã giảm thiểu đáng kể.

Vừa qua, một số chủ rừng là tổ chức nhà nước đã chủ động kêu gọi xã hội hóa trồng rừng trong nội bộ đơn vị, hoặc đã liên doanh liên kết với người dân ở các xã, thị trấn trong huyện để trồng rừng nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng, góp phần thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Theo dự báo, số diện tích rừng trồng của huyện Đăk Glei sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Trồng rừng tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng

Trồng rừng tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về trồng và phát triển rừng chưa được thường xuyên; thậm chí có cấp ủy, chính quyền ở một vài xã trong huyện chưa chỉ đạo triển khai công tác trồng rừng. Một số xã chưa hoàn thiện hồ sơ, triển khai dự án lâm nghiệp còn chậm, chưa xây dựng kế hoạch trồng dặm. Công tác phối hợp giữa xã với người dân có lúc, có nơi chưa đồng bộ; chưa hướng dẫn, triển khai quy trình kỹ thuật trồng rừng... Vì vậy, có nơi cấp cây giống không đúng mùa vụ trồng rừng, hỗ trợ cây giống nhưng không hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật kèm theo hoặc trồng xong mới hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... dẫn đến có địa phương có diện tích rừng trồng và cây phân tán có tỷ lệ cây sống đạt thấp như ở các xã: Đăk Môn, Đăk Choong, Đăk Pek, Ngọc Linh.

Trong khi đó, công tác giám sát, hướng dẫn người dân trồng rừng chưa được thực hiện thường xuyên dẫn tới các hộ gia đình không trồng hoặc trồng không đủ, trồng không đúng diện tích hồ sơ thiết kế đã phê duyệt nhưng vẫn được nghiệm thu, chi trả tiền lâm sinh. Nhiều hồ sơ lâm sinh chưa có chữ ký xác nhận của chính quyền xã, thị trấn và hộ gia đình trồng rừng. Một số hộ dân đã trồng xen canh bời lời, cà phê, sơn tra, mì... làm giảm tốc độ sinh trưởng của cây, nhiều cây bị chết do ảnh hưởng từ việc thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

Nguyên nhân được xác định do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương trong huyện chưa thật sự quyết liệt, chưa sâu sát với cơ sở để động viên người dân trồng rừng, thậm chí có xã có dấu hiệu buông lỏng trách nhiệm trong công tác trồng rừng. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; thiếu kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đôn đốc người dân thực hiện đúng kỹ thuật, mùa vụ trồng rừng. Việc phân bổ kinh phí trồng rừng cho các đơn vị, địa phương còn chậm đã làm kéo dài thời gian triển khai dự án trồng rừng. Năng lực của một số chủ dự án trồng rừng cấp xã, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu trách nhiệm trong lập, triển khai dự án trồng rừng…

Trồng cây nào sống cây đó

Thời gian tới, để “Trồng cây nào sống cây đó, trồng diện tích nào thành rừng diện tích đó” nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo ra sinh kế cho người dân tham gia trồng và phát triển rừng như nghị quyết của HĐND huyện Khóa XV vừa thông qua tại Kỳ họp thứ 7, UBND huyện cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng, phát dọn thực bì, bón phân cho các diện tích rừng đã trồng trong các năm: 2021, 2022 và 2023. Cập nhật, sớm đưa các diện tích rừng trồng đã thành rừng của người dân ở các xã, thị trấn vào lưu vực được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để kịp thời động viên, khuyến khích người dân trồng rừng. Xử lý các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác trồng rừng trong các năm: 2021, 2022 và 2023 không bảo đảm theo hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, như: trồng không đủ diện tích, không đúng vị trí...

Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát trồng rừng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng; vận động các hộ dân đã trồng sai vị trí, trồng không đúng diện tích khắc phục bằng cách trồng theo đúng vị trí, đúng diện tích đã đăng ký và trồng dặm; kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; tiếp tục phát huy phong trào xã hội hóa trồng rừng, trồng cây xanh ở các khu dân cư.

Bài và ảnh: HẢI HIỂN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/quyet-tam-trong-dien-tich-nao-thanh-rung-dien-tich-do-i383763/