Quyết tâm xây dựng mô hình 'Công dân học tập'

Qua một thời gian triển khai thí điểm mô hình 'Công dân học tập' giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả cao, tạo ra được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận của Nhân dân. Từ đó, nâng cao chất lượng sự nghiệp 'trồng người' và 'sự học' của người lớn, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của các địa phương. Để hiểu rõ hơn về mô hình này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN.

- Thưa bà! Đề nghị bà cho biết về sự ra đời, các tiêu chí xây dựng và mục tiêu chung của mô hình “Công dân học tập”?

- Ngày 8/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 489/QĐ - TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49 - KL/ TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Mô hình “Công dân học tập” đã được đưa ra thảo luận tại nhiều hội thảo, lấy ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ cốt cán của hội khuyến học một số địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị.

Ngày 3/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 677/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Mô hình “Công dân học tập” có bộ tiêu chí xây dựng, đánh giá rất cụ thể, sát với thực tế.

Theo đó, mô hình này có 3 bộ tiêu chí khung (năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng công cụ học tập, làm việc; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội) và 10 chỉ số đánh giá áp dụng cho 3 nhóm đối tượng gồm: nông dân và lao động nông thôn; công nhân, lao động tiểu thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng, lao động tự do; cán bộ quản lý, công chức, viên chức, nhân viên từ cấp xã trở lên, doanh nhân, quản lý doanh nghiệp.

Mục tiêu chung của mô hình này là thúc đẩy việc học tập suốt đời để người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả...

Trên cơ sở hình thành mô hình “Công dân học tập” nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập. Hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập.

- Việc triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Để triển khai thực hiện mô hình “Công dân học tập”, ngày 2/8/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030” theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội Khuyến học tỉnh đã tiến hành triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng. Cụ thể, huyện Gio Linh có các xã tham gia thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” gồm: Hải Thái, Gio Châu, Gio Việt và các cơ quan mặt trận, đoàn thể trên địa bàn huyện; huyện Cam Lộ gồm thị trấn Cam Lộ, xã Cam Chính, Cam Hiếu; huyện Triệu Phong gồm xã Triệu Thành, Triệu Giang, Triệu Độ; huyện Hải Lăng gồm xã Hải Thượng, Hải Quy, Hải Sơn.

Ngoài các huyện được Hội Khuyến học tỉnh chọn thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập”, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tích cực, chủ động chọn các đơn vị, địa phương để triển khai thí điểm mô hình này.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học tỉnh cùng các cấp hội khuyến học đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền, nhất là ngành giáo dục có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của mô hình “Công dân học tập”. Tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, công dân học tập. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư về vai trò, tầm quan trọng của việc học tập trong đời sống xã hội.

 Trao học bổng “Ánh trăng rằm” lần thứ X cho học sinh vượt khó hiếu học - Ảnh: N.B

Trao học bổng “Ánh trăng rằm” lần thứ X cho học sinh vượt khó hiếu học - Ảnh: N.B

Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể và sự ủng hộ tham gia của các tầng lớp nhân dân. Quá trình thực hiện, các cấp hội đã tiến hành giám sát, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc.

- Được triển khai thực hiện quyết liệt trong một thời gian dài, vậy bà có thể cho biết mô hình “Công dân học tập” đã đem lại kết quả như thế nào?

- Trong quá trình thực hiện mô hình “Công dân học tập” nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn về lợi ích và tầm quan trọng của công tác xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng được nâng lên; người dân ý thức và có trách nhiệm hơn trong việc học tập và nghiên cứu.

Phong trào xây dựng xã hội học tập nói chung và mô hình “Công dân học tập” nói riêng đã có tác động mạnh mẽ đến việc học thường xuyên của mỗi cá nhân, gia đình, đơn vị, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, đơn vị.

Đến nay, đã có 8/10 huyện hoàn thành thí điểm; 9/14 xã và 27/72 thôn, khu phố, đơn vị được giám sát việc thí điểm thường xuyên; 217 người được giám sát tham gia thí điểm. Tổng số người đạt tiêu chí “Công dân học tập” là 151/217, đạt tỉ lệ 69,5%. Bộ tiêu chí dành cho nông dân và lao động nông thôn bình quân có trên 65,5% người dân đồng thuận.

Bộ tiêu chí dành cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên từ cấp xã trở lên, doanh nhân, quản lý doanh nghiệp có 85,8% người đồng thuận. Tỉ lệ đồng thuận của người dân với bộ tiêu chí dành cho công nhân, lao động tiểu thủ công, thợ sửa chữa, lao động tự do cũng khá cao.

- Theo bà trong thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh cần làm gì để mô hình “Công dân học tập” đạt kết quả cao hơn nữa?

- Mô hình “Công dân học tập” là một mô hình mới nên còn nhiều bỡ ngỡ, thời gian thí điểm ngắn, vì vậy cán bộ khuyến học các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn bước đầu gặp khó khăn trong việc triển khai. Trong thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá, kịp thời nắm bắt những vướng mắc, đề xuất để có phương án giải quyết tốt.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, các cấp hội cần tham mưu tốt, có trách nhiệm cao và tạo ra liên kết rộng để mô hình “Công dân học tập” phát huy thêm hiệu quả. Đồng thời, các cấp hội cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và mô hình “Công dân học tập” đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo, quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho hội khuyến học cùng cấp hoạt động, nhất là triển khai mô hình “Công dân học tập”. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan, đơn vị hữu quan cần tăng cường phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh trong việc triển khai mô hình này.

- Xin cảm ơn bà!

Vân Trang (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=172172&title=quyet-tam-xay-dung-mo-hinh-%E2%80%9Ccong-dan-hoc-tap%E2%80%9D