Quyết toán ngân sách 2021: Điều hành ngân sách chủ động, chặt chẽ, ưu tiên phòng chống dịch
Sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Chính phủ, đã trình bày báo cáo tại phiên họp.
Thu ngân sách nhà nước cơ bản đảm bảo theo dự toán Thu ngân sách tích cực, đảm bảo nguồn lực cho phục hồi kinh tế, đầu tư phát triển Kinh tế khó khăn, tạo áp lực lớn đến tiến độ thu ngân sách
Chi đầu tư tăng, chi trả nợ lãi giảm
Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán thu NSNN năm 2021 là 1.358.084 tỷ đồng; quyết toán 1.591.411 tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP. Thu ngân sách tăng chủ yếu do tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; sản lượng dầu thô khai thác và giá dầu thô tăng cao; hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh.
Trong năm 2021, tổng số thuế, phí, tiền thuê đất đã miễn, giảm, gia hạn là 132.418 tỷ đồng, bao gồm: các chính sách gia hạn là 108.426 tỷ đồng; các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền chậm nộp thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là 14.618 tỷ đồng; các chính sách ban hành năm 2020 có tác động làm giảm thu năm 2021 là 9.374 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, trong năm 2021, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách, qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn và phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, được dư luận đánh giá cao.
Về chi, dự toán chi là 1.701.713 tỷ đồng; quyết toán 1.708.088 tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán.
Trong đó chi thường xuyên quyết toán 1.061.316 tỷ đồng, tăng 12.141 tỷ đồng so với dự toán. Năm 2021, NSNN đã chi 97.903 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên bằng 62,97% tổng chi NSNN; không kể chi tạo nguồn cải cách tiền lương bằng 62,4% (1.036.730 tỷ đồng/1.661.495 tỷ đồng) theo đúng định hướng Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN.
Chi đầu tư phát triển quyết toán 540.046 tỷ đồng, tăng 60.478 tỷ đồng (12,6%) so với dự toán. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dự án ODA gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, tiếp nhận chuyên gia nước ngoài, phê duyệt hồ sơ của một số nhà tài trợ kéo dài, nên không có khối lượng để thanh toán kế hoạch vốn được giao, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Chi trả nợ lãi năm 2021 quyết toán 101.778 tỷ đồng, giảm 8.287 tỷ đồng (7,5%) so với dự toán, chủ yếu do công tác phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 phù hợp với tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư, dẫn đến giảm số dư nợ vay thời điểm cuối năm 2020 so dự kiến xây dựng dự toán năm 2021, kết hợp với lãi suất phát hành thấp hơn dự kiến, qua đó làm giảm chi trả lãi cho ngân sách trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, quản lý, điều hành chi NSNN năm 2021 chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Trong đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã đề ra; thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao; rà soát, cắt giảm mạnh các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; một số bộ, ngành, địa phương chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, thực hiện quyết toán ngân sách và gửi về Bộ Tài chính thẩm định, tổng hợp còn chậm và chưa đúng quy định.
Thực hiện 87,2% số kiến nghị về NSNN của Kiểm toán Nhà nước
Đối với việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Chính phủ cho biết đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vi phạm, thu hồi các khoản trốn, lậu thuế, các khoản chi sai chế độ. Tính đến ngày 23/3/2023, đã thực hiện được 22.151 tỷ đồng, đạt 87,2% số kiến nghị liên quan đến NSNN đối với quyết toán NSNN năm 2020.
Năm 2021, KTNN có 198 kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản. Trong đó, đối với 91 kiến nghị của KTNN về hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã thực hiện hoàn thành 23 kiến nghị, còn 68 kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật đang triển khai thực hiện.
Trong xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán NSNN năm 2020 theo kiến nghị của KTNN (tính đến ngày 31/3/2023), Chính phủ báo cáo tổng số tổ chức đề nghị xử lý là 1.444, trong đó đã xử lý theo kết luận 1.295 tổ chức, chiếm 89,68%; hiện đang xử lý 127 tổ chức, chiếm 8,80%; số chưa xử lý là 22 tổ chức, chiếm 1,52%.
Đối với cá nhân, tổng số đề nghị xử lý là 2.735, trong đó đã xử lý 2.519 người, chiếm 92,1%; hiện đang xử lý 200 người, chiếm 7,31%; còn lại 16 người chưa xử lý, chiếm 0,59%.
“Việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước đã được thực hiện theo kết luận kiểm toán, thanh tra”, Chính phủ khẳng định.