Quyết toán ngân sách 2021: Xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại đã kéo dài nhiều năm

Thảo luận về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 tại Phiên họp sáng nay, 12.5, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính ngân sách, nhất là khâu lập, thi hành dự toán, đến quyết toán còn chậm, thiếu chính xác, phải điều chỉnh.

Quyết toán và gửi về Bộ Tài chính thẩm định còn chậm

Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày. Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Trong đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid -19, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã đề ra; thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao; rà soát, cắt giảm mạnh các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch Covid-19 (cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; một số bộ, ngành, địa phương chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, thực hiện quyết toán ngân sách và gửi về Bộ Tài chính thẩm định, tổng hợp còn chậm và chưa đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trên cơ sở Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2021 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng; trong đó số thu NSNN theo dự toán là 1.591.411 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là 643.406 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2020 là 140.410 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước là 12.679 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.491 tỷ đồng, trong đó chi NSNN theo dự toán là 1.708.088 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2022 là 776.403 tỷ đồng. Bội chi NSNN 214.105 tỷ đồng, bao gồm: bội chi ngân sách trung ương là 211.702 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 2.403 tỷ đồng.

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, đến ngày 31.12.2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN 22.492,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện 33.284,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 80,08 %. Ngoài ra, đến ngày 31.12.2022, các đơn vị được kiểm toán thực hiện thêm 18.248,3 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 6.957,21 tỷ đồng) kiến nghị từ niên độ 2019 trở về trước, bằng 21,4% tổng số kiến nghị chưa thực hiện tính đến 31.12.2021.

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản. Về kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, có 57/95 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán 44.972,7 tỷ đồng chiếm 56,65%; nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước 2.369,9 tỷ đồng chiếm 3%; nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 18.763,8 tỷ đồng chiếm 23,6%; nhóm nguyên nhân khác chiếm 15,86%; chưa nêu rõ nguyên nhân 698,7 tỷ đồng chiếm 0,87%.

Kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách chưa nghiêm

Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt là công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán NSNN không phù hợp theo quy định Luật NSNN chậm được khắc phục.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, thông tin, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi NSNN năm 2021 nêu tại báo cáo quyết toán thay đổi khá lớn so với số liệu Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2021. Trong đó có các khoản tăng thu ngân sách trung ương rất lớn chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phương án sử dụng trong năm 2022.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng với đó, việc theo dõi, tổng hợp, hạch toán thông tin, số liệu đánh giá, quyết toán thu, chi NSNN không sát, điều chỉnh nhiều thông tin, số liệu sau thời gian chỉnh lý quyết toán, thậm chí tiếp tục điều chỉnh sau thời gian tổng hợp báo cáo quyết toán ảnh hưởng rất lớn trong dự báo, lập, đánh giá dự toán NSNN, huy động nguồn vốn bù đắp bội chi, trả nợ gốc lãi trong năm và các năm sau và công tác thẩm tra quyết toán NSNN.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021, đồng thời, phải xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã kéo dài nhiều năm.

Cùng quan điểm với cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu cảm nhận “báo cáo đọc quen lắm”, vẫn câu chuyện thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong tài chính ngân sách, từ khâu lập, thi hành dự toán, đến quyết toán còn chậm, thiếu chính xác, phải điều chỉnh. Câu chuyện nhiều năm như thế rồi, nhưng để khắc phục thì những năm vừa qua triển khai như thế nào? Nếu cứ thế này thì năm sau báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chắc vẫn thế.

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước rất nhiều, nhưng tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước rất thấp. Ông đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước chưa đạt là do các kiến nghị hay là do ý thức của đơn vị thực hiện. Đáng lưu ý, việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân cũng thấp. "Cần có chế tài để xử lý như thế nào với trường hợp, tổ chức cá nhân không thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm về thời gian gửi quyết toán; Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất số liệu khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhưng tổng thu ngân sách năm 2021 vẫn vượt dự toán.

Tuy nhiên, qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách đã kéo dài nhiều năm, chưa được khắc phục, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý vấn đề này. Đặc biệt là những vấn đề như thông tin số liệu chung chung, chưa rõ; nguồn thu ngân sách chưa bền vững, tăng chủ yếu từ nguồn thu từ nhà đất, chứng khoán, bất động sản, dầu khí; phân bổ giao vốn chi thường xuyên, chi đầu tư chậm; điều chỉnh, bổ sung vốn nhiều lần, có trường hợp giao vốn chưa đúng quy định; còn tình trạng chi không đúng định mức, chế độ…

Đối với nội dung chuyển nguồn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chưa thống nhất, do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước rà soát để thống nhất xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không đưa vào quyết toán trình Quốc hội nếu không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/quyet-toan-ngan-sach-2021-xac-dinh-lo-trinh-xu-ly-dut-diem-cac-ton-tai-da-keo-dai-nhieu-nam-i327711/