Quyết tử để bảo vệ biên cương
Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, trên từng tấc đất, vạt rừng của Tổ quốc có rất nhiều tấm gương chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường chiến đấu với quân địch. Rất nhiều Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì biên giới thân yêu, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc, trong số đó, có liệt sĩ Quách Văn Rạng, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Tên anh đã được đặt tên cho một đường phố ở thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Khi viết về tấm gương Anh hùng LLVTND Quách Văn Rạng, tôi đã đến gặp nhà văn Trần Hữu Tòng - người lính già từng một thời gắn bó với lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là BĐBP. Năm nay, nhà văn Trần Hữu Tòng đã bước qua tuổi 81 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Hơn 40 năm sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, ký ức về những năm tháng chiến tranh đầy máu lửa như vẫn còn in đậm trong tâm trí ông.
Ngày 17-2-1979, chiến tranh biên giới bất ngờ nổ ra. Nhập vào đoàn quân lên biên giới có nhà báo Trần Hữu Tòng. Nhà báo Trần Hữu Tòng đã đến các điểm nóng từ Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Vị Xuyên (Hà Giang), với những bức ảnh và những bài báo, tác phẩm văn học phản ánh cuộc chiến chân thực và những nỗ lực chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta để bảo vệ từng tấc đất biên cương.
Trong hồi ức của nhà văn Trần Hữu Tòng năm xưa còn lưu dấu câu chuyện về những người đồng đội đã anh dũng ngã xuống trên trận tuyến. Nhà văn Trần Hữu Tòng cho biết, trong những năm tháng nổ ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, ông đã được nghe câu chuyện về Trung sĩ Quách Văn Rạng, Trung đội phó Đồn 125 Công an nhân dân vũ trang (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, BĐBP Lào Cai), tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Trong trận chiến với quân xâm lược ngày 17-2-1979, Trung sĩ Quách Văn Rạng đã chỉ huy đơn vị đánh trả, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch và anh dũng hy sinh để bảo vệ đồng đội, biên cương. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống, chiến đấu của liệt sĩ Quách Văn Rạng đã trở thành chất liệu để ông viết nên tác phẩm “Ngôi sao biên cương”.
Nhà văn Trần Hữu Tòng kể, Trung sĩ Quách Văn Rạng sinh năm 1956, dân tộc Mường, quê ở xã Thành Công, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Sáng sớm ngày 17-2-1979, quân địch bất ngờ đưa quân và hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới ồ ạt tràn qua biên giới, tấn công 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Thực hiện quyết tâm chiến đấu của đồn, Trung sĩ Rạng đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa đầu cầu Hồ Kiều (bên bờ sông Nậm Thi). Chiều hôm đó, anh dẫn 2 chiến sĩ vượt khỏi chiến hào tiến đánh xe tăng địch ở khu vực dốc Máng Nước, thị xã Lào Cai.
Khi đơn vị được lệnh di chuyển vào trận địa, tổ của Trung sĩ Quách Văn Rạng xung phong ở lại chiến đấu, ngăn cản hướng tấn công của địch và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 5 ngày đêm trong vòng vây của địch, anh cùng đồng đội tìm đường về đơn vị phối hợp chiến đấu. Trong một trận chiến, khi đạn gần cạn kiệt, một chiến sĩ bị lạc, một chiến sĩ khác là Cầm bị thương nặng, Trung sĩ Rạng vừa cõng chiến sĩ Cầm, vừa mang vũ khí gồm B40, AK và lựu đạn luồn lách trong rừng.
Địch phát hiện ra Quách Văn Rạng, chúng xông đến quá đông. Quách Văn Rạng đưa chiến sĩ Cầm bị thương giấu vào bụi cây và ra hiệu cho đồng đội ẩn nấp kín đáo để cả hai không bị rơi vào tay giặc. Sau đó, anh một mình xách khẩu AK vừa chạy, vừa bắn trả, đánh lạc hướng quân địch. Súng hết đạn, Quách Văn Rạng tung 2 trái lựu đạn cuối cùng, diệt nhiều tên địch.
Sau đó, anh bị địch bắt, tra tấn dã man, ép anh chỉ đường đến vị trí mới của đơn vị, nhưng anh quyết không khai nửa lời. Quách Văn Rạng đã bị địch tra tấn đến khi trút hơi thở cuối cùng. Ở nơi ẩn nấp, người đồng đội tên Cầm bị thương nặng đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của Quách Văn Rạng mà mắt nhòe lệ vì xúc động.
Liệt sĩ Quách Văn Rạng đã có nhiều công lao trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc ngay ở tuyến đầu do Đồn Công an nhân dân vũ trang 125 tỉnh Hoàng Liên Sơn phụ trách. Liệt sĩ Quách Văn Rạng được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19-12-1979, liệt sĩ Quách Văn Rạng được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Nhà văn Trần Hữu Tòng bồi hồi: “Trong hơn 5 ngày đêm liên tục chiến đấu, Quách Văn Rạng đã lập công xuất sắc và quên mình cứu đồng đội, bảo vệ đơn vị để tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới. Tấm gương anh dũng hy sinh quên mình của anh trở thành bản hùng ca về tinh thần cách mạng, tượng đài cho sự quyết tử bảo vệ Tổ quốc. Quách Văn Rạng trở thành Anh hùng LLVTND duy nhất trong quân đội là người dân tộc Mường”.
Để ghi nhớ sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, đầu năm 2014, HĐND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định lấy tên 4 Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tỉnh Lào Cai năm 1979 đặt tên cho các đường phố trên địa bàn, trong đó có liệt sĩ Quách Văn Rạng. Tên của liệt sĩ Quách Văn Rạng được đặt tên cho một khu phố mới của khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường nằm trên đường N11 nối với đại lộ Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. Đó là sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì biên cương Tổ quốc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyet-tu-de-bao-ve-bien-cuong-post430457.html