Ra bờ đê sông Nghèn... xả đủ loại rác!

Lâu nay, nhiều người dân sống gần các khu vực đê Hữu Nghèn (đoạn qua huyện Thạch Hà) và Tả Nghèn (đoạn qua huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có thói quen mang các loại rác ra bờ đê vứt bỏ. Đây là hành vi xấu, gây ô nhiễm môi trường, cần sớm được chấn chỉnh...

Rác thải trôi lềnh bềnh ngay chân cầu Thạch Sơn (phía huyện Thạch Hà)

Rác thải trôi lềnh bềnh ngay chân cầu Thạch Sơn (phía huyện Thạch Hà)

Tại khu vực đê Hữu Nghèn (đoạn gần chân cầu Thạch Sơn, huyện Thạch Hà), nhiều túi rác được vứt tứ tung ngay lưng chừng đê.

Theo quan sát, ở đoạn đê này thường có những người dân lợi dụng trưa nắng, đêm tối rồi lén mang rác ra bờ đê vứt bỏ. Những bọc trôi xuống bờ sông thì sớm được thủy triều cuốn đi, còn những bọc rác nằm trên thân đê thì phải mất rất nhiều thời gian để nắng, gió, mưa bão tác động mới trôi, bung xuống dòng sông.

Rác thải và xương động vật từ các nhà hàng ăn uống gần đó chất thành đống gần chân cầu Thạch Sơn (phía xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà)

Rác thải và xương động vật từ các nhà hàng ăn uống gần đó chất thành đống gần chân cầu Thạch Sơn (phía xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà)

Ngoài các túi rác xuất hiện rồi mất (do thủy triều cuốn đi) thì phía bờ đê đối diện (thuộc địa bàn xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà) còn xuất hiện thêm những đống xương động vật được đủ các loại mới, cũ.

Cách đó trong phạm vi chưa đầy một km là nhiều nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Thân đê Hữu Nghèn, đoạn qua thôn Tri Khê, xã Thạch Sơn nhiều đoạn được phủ đầy rác thải sinh hoạt

Thân đê Hữu Nghèn, đoạn qua thôn Tri Khê, xã Thạch Sơn nhiều đoạn được phủ đầy rác thải sinh hoạt

Qua quan sát cho thấy, tình trạng lén lút vứt rác sinh hoạt ra bờ sông, trên đê ven trục sông Nghèn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn các xã: Thạch Sơn, Thạch Long (Thạch Hà); Thạch Mỹ, Mai Phụ, Hộ Độ (Lộc Hà); nhưng nhiều nhất là quanh khu vực cầu Thạch Sơn (nằm trên Quốc lộ 15B bắc qua sông nối huyện Thạch Hà với huyện Lộc Hà).

Rác được người dân cho vào túi bóng hoặc bao tải và mang ra bờ sông vứt mạnh để có thể tuột xuống chân đê, chờ thủy triều lên cuốn “phi tang”. Không chỉ rác thải sinh hoạt mà nhiều người vô ý thức còn mang các mãnh vỡ thủy tinh, gạch vụn, rác thải y tế... ra bờ đê vứt vô tội vạ.

Nguy hiểm hơn, trên thân đê còn có các loại rác thải cứng như thủy tinh, chai nhựa, rác thải y tế.

Nguy hiểm hơn, trên thân đê còn có các loại rác thải cứng như thủy tinh, chai nhựa, rác thải y tế.

Thiết nghĩ, việc làm thiếu ý thức này không chỉ gây phản cảm, làm mất cảnh quan mà nó còn gây tác động lớn đến môi trường xung quanh, bởi đại đa số rác thải này đều không được thu gom, vớt dọn mà nó sẽ theo thủy triều trôi lắng xuống lòng sông hoặc sẽ xuôi ra biển.

Vì vậy, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi, nếu tái phạm nhiều lần thì phải xử lý nghiêm. Đối với những khu vực tồn đọng rác thải trên thân đê thì cần sớm huy động đoàn viên, hội viên ở các tổ chức đoàn thể ra quân thu gom, vớt dọn, xử lý.

Tiến Phúc

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/ban-doc-viet/ra-bo-de-song-nghen-xa-du-loai-rac/175609.htm